GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế (áo xanh, bên phải) - người trực tiếp phẫu thuật ca mang thai hộ đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng cha, mẹ của bé gái sơ sinh. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ.
Như vậy, sau hơn 1 năm kể từ thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định về việc cho phép mang thai hộ có hiệu lực (1/1/2015), cả nước đã có 65 ca mang thai hộ thành công, trong đó tại Bệnh viện Phụ sản có 46 ca trên tổng số 60 hồ sơ được duyệt, Bệnh viện Từ Dũ có 19 ca trên tổng số 33 hồ sơ được duyệt.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, so với thụ tinh trong ống nghiệm thông thường, kỹ thuật mang thai hộ khó hơn do việc lấy noãn của những phụ nữ không có tử cung hoặc mắc bệnh lý không thể mang thai khó hơn, nếu kích thích buồng trứng cho những đối tượng này cũng đối mặt với nguy cơ rủi ro, thậm chí đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, hiện kỹ thuật mang thai hộ của Việt Nam đã ngang tầm thế giới, tỷ lệ thành công lên tới 60-70%.
Để thực hiện mang thai hộ, các cặp vợ chồng và người mang thai hộ phải hoàn tất bộ hồ sơ gồm rất nhiều giấy tờ, chứng nhận để bảo đảm thủ tục về mặt pháp lý. Người mang thai hộ phải được xác nhận có quan hệ họ hàng với người nhờ mang thai. Hội đồng chuyên môn và hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ kiểm tra để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có đúng chỉ định được thực hiện kỹ thuật này hay không để tư vấn.
Điều dưỡng viên chăm sóc bé gái sơ sinh sau ca phẫu thuật thành công. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Bộ Y tế đã rất thận trọng, chỉ cho 3 trung tâm tại 3 miền thực hiện kỹ thuật này bởi để thực hiện được mang thai hộ đòi hỏi kỹ thuật của Bệnh viện cao, với nhiều giấy tờ chứng minh, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết. Hiện cả nước có 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, trong vòng 3 tháng tới, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia sẽ đón thêm gần 10 bé nữa nhờ kỹ thuật mang thai hộ.
Luật Hôn nhân và Gia đình được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 quy định vợ, chồng đang không có con chung, đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể nhờ người mang thai hộ.
Trong đó, việc mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo, được thực hiện bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai hộ; đặc biệt người được nhờ mang thai hộ chỉ được mang thai hộ 1 lần và phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; ở độ tuổi phù hợp, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý và đã từng sinh con. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.