Trả lời vụ việc này, đại diện NCB cho biết: Hiện có nhiều chi tiết cần làm rõ nên ngân hàng đã chuyển hồ sơ sang Công an Thành phố Hà Nội để điều tra; đồng thời nhanh chóng trả lời đơn của khách hàng để hai bên có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ việc. “Phía ngân hàng luôn ưu tiên lợi ích của khách hàng lên hàng đầu và sẽ lấy kết luận của cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở giải quyết vụ việc”, đại diện NCB nói.
Lời hứa lãi suất cao và mất trắng cả gốc và lãi
Trong đơn tố cáo gửi tới tới báo chí, bà Nguyễn Bạch Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: từ năm 2012 đến 6.1.2016 đã gửi tiết kiệm vào NCB chi nhánh Hà Nội, phòng giao dịch số 14 (Trần Khát Chân, Hà Nội) tổng số tiền cả gốc lẫn lãi hơn 8,7 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng giao dịch số 14 đã thuyết phục bà Mai chuyển toàn bộ số tiết kiệm này sang bảo lãnh ngân hàng với lãi suất 13%/năm dành cho các khách VIP theo chương trình ưu đãi của ngân hàng.
Theo bà Mai, để thuyết phục thành công, Trưởng phòng Hà khẳng định tiền vẫn nằm trong ngân hàng, lúc nào rút cũng sẽ được giải quyết. Khách hàng chỉ cần thay sổ tiết kiệm bằng chứng từ. Sau đó, bà Mai đồng ý và ký các thủ tục tất toán sổ tiết kiệm và chuyển sang dạng Chứng từ của ngân hàng. Hàng tháng Phòng giao dịch 14 đều chuyển cho bà Hà (bảng kê tiền gửi và tính lãi hàng tháng của ngân hàng NCB). Bảng kê có chữ ký của Trưởng phòng giao dịch, đóng dấu đỏ của ngân hàng nên bà Mai hoàn toàn tin tưởng.
Đến giữa năm 2016, khi cần tiền để xây nhà, bà Mai liên lạc với phía NCB thông báo đến rút. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác bà Hà vin vào một loạt các lý do để từ chối. Đầu tháng 1/2017, sau khi không liên lạc được với bà Hà, bà Mai tức tốc đến phòng giao dịch 14 thì một nhân viên thông báo toàn bộ số tiền đã bị rút hết, không còn trong tài khoản.
Phía bà Nguyễn Bạch Mai khẳng định: từ khi gửi tiền đến nay chưa rút một lần nào, cũng không nhận một đồng lãi. Tất cả các khoản lãi vẫn được phía NCB thông báo nhưng chỉ để cộng dồn vào tài khoản.
Liên quan tới vấn đề này, phía NCB cho rằng, sau nhiều lần đòi bà Hà trả tiền không được, gần 1 năm sau, bà Mai mới đến ngân hàng làm việc và gửi đơn đề nghị ngân hàng kiểm tra, giải quyết. Khi nhận được đơn, NCB đã kiểm tra trên hệ thống và xác định toàn bộ sổ tiết kiệm của bà Mai đã được làm thủ tục tất toán theo đúng quy định của pháp luật và của NCB (các chứng từ tất toán đều do chính bà Mai ký, lần rút cuối cùng là vào 6/10/2015).
“Mỗi lần bà Mai gửi tiền cho bà Hà đều chỉ nhận bản “bảng kê tiền gửi” có chữ ký của bà Hà được đóng dấu của Phòng giao dịch 14 mà không kê khai các biểu mẫu nộp tiền. Thời điểm giữa năm 2016, bà Mai có liên hệ với bà Hà để đòi tiền nhưng đều không thực hiện. Gần một năm sau (tháng 1/2017) bà Mai mới trực tiếp đến NCB để yêu cầu rút tiền. Tại đây, nhân viên NCB cho biết, số tiền theo sổ tiết kiệm của bà Mai đã được tất toán với đầy đủ chữ ký của bà Mai và ngân hàng không có bất cứ sản phẩm nào liên quan đến gảng kê tiền gửi này.
Trước tình hình đó, bà Mai đã làm đơn lên Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng NCB đề nghị ngân hàng, kiểm tra giải quyết”, đại diện NCB nói.
Dấu hiệu sai phạm cá nhân và trách nhiệm ngân hàng?
Sau khi nhận được đơn, NCB đã tiến hành kiểm tra, kết quả: Từ năm 2012, bà Mai có gửi một số sổ tiết kiệm tại Phòng giao dịch 14 – NCB. Tuy nhiên cho đến thời điểm 6/10/2015, toàn bộ tiền gửi tiết kiệm của bà Mai đã được làm thủ tục tất toán. Sau thời điểm đó cho đến thời điểm kiểm tra, bà Mai không còn khoản tiền nào gửi vào NCB. Kiểm tra chứng từ các lần gửi và rút tiền của bà Mai đều hợp pháp, phù hợp quy định của pháp luật và của NCB.
Đại diện NCB khẳng định: Các bảng kê tiền gửi bà Mai cung cấp là do bà Hà tự lập, không phải là giấy nộp tiền hoặc giấy xác nhận nộp tiền vào ngân hàng và cũng hoàn toàn không phải là sản phẩm và mẫu biểu của ngân hàng vì những lý do sau:
Lý giải bảng kê có dấu của Phòng giao dịch 14 và chữ ký của bà Hà, phía NCB lý giải: Tuy có chữ ký của bà Hà – nguyên trưởng phòng Giao dịch và có đóng dấu của Phòng giao dịch 14 (đang giám định con dấu) nhưng trên bảng kê chỉ nêu tên khách hàng mà không có đủ các nội dung hợp pháp, hợp lệ theo quy định của NCB như: Mã số khách hàng, Số chứng minh nhân dân, địa chỉ, không có người thu tiền và người nộp tiền, người lập biểu. Các quy định, quy trình, biểu mẫu sản phẩm của NCB đều không có mẫu biểu này. “Đặc biệt, tại thời điểm bà Hà lập bảng kê tiền gửi, NCB không có bất cứ sản phẩm huy động nào có mức lãi suất 13%/năm”, lãnh đạo NCB nói.
Theo ngân hàng này, để bảo đảm việc vận hành được thông suốt, kiểm soát viên giữ dấu khi đi vắng sẽ bàn giao lại con dấu cho cấp quản lý (có biên bản bàn giao). Như vậy cũng không loại trừ khả năng con dấu trên bảng kê của bà Mai đã được bà Hà thực hiện trong các khoảng thời gian kiểm soát viên đi ra ngoài và bàn giao con dấu lại cho trưởng đơn vị.
“Do bà Hà đã nghỉ việc từ tháng 9/2016 nên phía NCB đã nhiều lần gửi giấy mời bà Hà đến làm việc, nhưng bà Hà đều không có mặt. Đối chiếu các chứng từ bà Mai cung cấp, NCB cho biết có nhiều chi tiết cần làm rõ nên đã chuyển hồ sơ sang Công an Thành phố Hà Nội để điều tra; đồng thời nhanh chóng trả lời đơn của bà Mai để hai bên có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ việc. Phía ngân hàng cũng khẳng định luôn ưu tiên lợi ích của khách hàng lên hàng đầu và sẽ lấy kết luận của cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở giải quyết vụ việc”, đại diện NCB nói.