Bộ Chính trị làm việc với Thành ủy Đà Nẵng

Sáng 17/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc.Trí Dũng - TTXVN


Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã báo cáo nhanh với Bộ Chính trị về hậu quả và tình hình khắc phục hậu quả bão số 11, nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân và khôi phục sản xuất.


Sau khi nghe đồng chí Trần Thọ báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 33, tập thể Bộ Chính trị, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã thảo luận cho ý kiến về những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, vướng mắc; những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp các kiến nghị, đề xuất của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về cơ chế, chính sách để có thêm nguồn lực xây dựng, phát triển thành phố trong thời gian tới.


Thay mặt Bộ Chính trị, kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Bộ Chính trị đánh giá, 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng nỗ lực triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị nghiêm túc, khẩn trương, sáng tạo, bài bản, có lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm, chọn khâu đột phá và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến khá toàn diện, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Những kết quả đã đạt được đã khẳng định Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống. Những thành tựu của Đà Nẵng, của nhiều địa phương khác và cả nước đã chứng minh đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn.


Bộ Chính trị lưu ý, tiềm năng lợi thế của Đà Nẵng còn nhiều. Thành phố có thuận lợi về địa kinh tế, địa chính trị, vùng đất, con người, lịch sử nhưng còn có những mặt chưa được khai thác, phát huy tốt. Quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Đầu tư cho phát triển sản xuất chậm so với phát triển hạ tầng. Sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, của nhiều sản phẩm chưa cao, công nghiệp phát triển chưa có sự bứt phá. Một số chỉ tiêu, chỉ số có suy giảm. Một số dự án công trình kết cấu hạ tầng trọng tâm triển khai còn chậm. Công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ cần được quan tâm, chủ động, toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa. Sức lan tỏa của Đà Nẵng ra cả vùng còn hạn chế…


Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, Bộ Chính trị yêu cầu thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy thành tích, kinh nghiệm tốt đã có để thực hiện Nghị quyết 33 Bộ Chính trị một cách tích cực, quyết liệt, hiệu quả cao hơn nữa; cần tiếp tục nhận thức rõ, sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò của Đà Nẵng trong vùng miền Trung và Tây Nguyên, phân tích kỹ tiềm năng, thế mạnh, những khó khăn, hạn chế, dự báo tình hình sắp tới để có chủ trương và quyết tâm cao hơn.


Bộ Chính trị lưu ý tiếp tục tập trung xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế- xã hội lớn của miền Trung, phát huy vai trò là trung tâm dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng; trung tâm bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh; một động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.


Bộ Chính trị đề nghị Đà Nẵng tập trung rà soát, xây dựng và thực hiện quản lý tốt các quy hoạch, kế hoạch phát triển thành phố gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển chung của vùng. Phát triển kinh tế đi đôi với tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung nâng cao quy mô và chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Xây dựng thành phố Đà Nẵng đẹp, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng, có quản lý chặt chẽ, xây dựng con người văn minh. Đà Nẵng cần quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; là trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm dịch vụ của cả miền Trung; tiếp tục tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị- xã hội trong mọi tình huống.


Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Bộ Chính trị yêu cầu thành phố Đà Nẵng tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; xây dựng cơ chế, chính sách để bảo đảm quản lý cán bộ, đảng viên, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống… Các cấp ủy Đảng quan tâm phát huy dân chủ mạnh hơn nữa, phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới phong cách, lề lối công tác, quan tâm xây dựng đoàn kết nội bộ, chống quan liêu tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền đô thị.


Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện thành phố có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng đối với Đà Nẵng mà còn đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, Bộ Chính trị lưu ý Đà Nẵng cần chủ động, tăng cường quan hệ để các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng cùng vào cuộc với Đà Nẵng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực, tạo điều kiện để thành phố phát triển nhanh, bền vững.


Về các đề xuất kiến nghị của thành phố, Bộ Chính trị cơ bản đồng ý về chủ trương, giao Ban cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ban ngành phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để Đà Nẵng có thêm nguồn lực, động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Hương Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN