Đóng quân trên địa bàn vùng cao biên giới xã Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, điều kiện học tập và công tác còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Trầm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, tích cực tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa bàn phụ trách.
Bộ đội Đồn Biên phòng Sa Trầm giúp đồng bào làm ruộng lúa nước. |
Những năm qua, Đồn Biên phòng Sa Trầm đã tích cực triển khai các mặt công tác biên phòng, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn phụ trách. Với nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài 14,5 km, chiều sâu 7 km và 6 cột mốc, đơn vị đã làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng vượt biên trái phép, vi phạm quy chế biên giới, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, cấp ủy - chỉ huy đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ thường xuyên bám địa bàn, giúp nhân dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng các cách làm ăn mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt mô hình làm ruộng lúa nước tại bản Cốc, xã Pa Nang - nơi đơn vị nhận đỡ đầu, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cán bộ, chiến sĩ vừa tuyên truyền, vừa "dắt tay chỉ việc" cho bà con cách làm đất, cấy lúa và hướng dẫn khoa học kỹ thuật. Từ mô hình lúa nước ở bản Cốc, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng ra các bản làng khác trong xã. Nhờ vậy, đến nay đồng bào dân tộc nơi đây đã ổn định nguồn lương thực tại chỗ; đời sống kinh tế đã có sự đổi thay, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm xuống còn dưới 20%.
Đồn Biên phòng Sa Trầm cũng là đơn vị tiêu biểu của Bộ đội Biên phòng Quảng Trị trong thực hiện phong trào "Xây dựng mái ấm cho người nghèo nơi biên giới". Những năm qua, đồn đã vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp hàng chục triệu đồng từ lương, phụ cấp, cùng với sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp 150 triệu đồng; đồng thời tổ chức cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia trên 400 ngày công lao động để xây dựng 6 ngôi nhà cho các gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Pa Nang, huyện Đakrông. Anh Hồ Văn Hïng, thôn Trầm - Pa Nang, xã Pa Nang, huyện Đakrông cho biết: "Gia đình tôi nhiều năm cần cù lao động nhưng vẫn không có nhà ở. Vừa qua được đồn Sa Trầm làm cho ngôi nhà mới nên vui mừng lắm. Các anh bộ đội biên phòng còn chỉ bảo cách làm ruộng lúa nước, trồng cây nên kinh tế gia đình đã khá hơn nhiều. Năm qua gia đình đã đủ gạo ăn và còn bán sắn được mấy chục triệu đồng".
Hình ảnh người thầy thuốc mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Sa Trầm đã để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân địa phương. Bất cứ lúc nào, hễ có yêu cầu của nhân dân là những người làm công tác quân y kịp thời đến tận nơi để khám, chữa trị và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Năm vừa qua, quân y của đơn vị đã khám, chữa bệnh cho hơn 500 lượt người dân và cấp thuốc chữa bệnh miễn phí trị giá hàng chục triệu đồng.
Trung tá Bùi Văn Hưng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Trầm cho biết: Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá thực trạng những hộ gia đình không có điều kiện làm nhà, huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm và sự đóng góp tiền, công lao động của cán bộ chiến sỹ để xây dựng nhà cho nhân dân nơi biên giới. Đánh giá thực trạng đất đai để xây dựng mô hình trồng lúa nước và đưa giống mới có năng suất cao để trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao làm mô hình để các thôn, bản, cụm trong khu vực biên giới đến học tập phát triển kinh tế…
Với sự đóng góp thiết thực, đầy hiệu quả của Đồn Biên phòng Sa Trầm, đời sống của nhân dân các bản làng xã Pa Nang đang từng ngày thay da đổi thịt và thế trận lòng dân được xây đắp vững bền đã góp phần làm cho biên giới bình yên và phát triển.
Bài và ảnh: Trần Tĩnh