Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 18-19/9, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế. Sau cuộc họp, BoJ thông báo sẽ mở rộng quy mô chương trình mua tài sản từ 70 nghìn tỷ yên lên 80 nghìn tỷ yên, trong khi duy trì lãi suất ở các mức thấp kỷ lục là từ 0-0,1%.
Đây là lần đầu tiên BoJ quyết định tiến hành các biện pháp nới lỏng tiền tệ bổ sung kể từ cuộc họp vào ngày 27/4, khi ngân hàng này thông báo mở rộng chương trình mua tài sản thêm 5 nghìn tỷ yên lên 70 nghìn tỷ yên.
Chương trình mua các tài sản như trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ cũng như các giấy tờ có giá khác là công cụ nới lỏng tiền tệ chủ chốt của BoJ nhằm cung cấp thanh khoản cho các thị trường, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Động thái mới nhất của BoJ rõ ràng cũng là để làm yếu đồng yên, thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ xuất khẩu.
Thông báo của BoJ được đưa ra trong thời điểm nền kinh tế vốn dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc giữ vững sự ổn định trước một loạt những trở ngại như hậu quả từ thảm họa động đất và sóng thần đầu năm 2011, khủng hoảng nợ công dai dẳng ở châu Âu, đà phục hồi chậm lại của kinh tế Mỹ, nhu cầu yếu trên thị trường toàn cầu và đồng yên mạnh lên.
Động thái của Boj tiếp sau các quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu vào ngày 6/9 về việc mua không hạn chế trái phiếu của các nền kinh tế đang ngập trong nợ nần ở khu vực nhằm hạ lãi suất và thông báo sau cuộc họp ngày 12-13/9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về đợt nới lỏng định lượng lần ba nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hạ tỷ lệ thất nghiệp.
Lê Minh (Theo Kyodo, AFP)