Bóng đá Việt Nam năm 2013: Những dấu lặng buồn

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhắc lại một số sự kiện buồn của bóng đá Việt Nam năm 2013 không phải để chỉ trích, mà để những người có trách nhiệm cùng suy ngẫm và tìm cách vực dậy con tàu bóng đá đã chìm xuống đáy khủng hoảng. Ít nhất, những tín hiệu vui đã lấp ló nơi U19 Việt Nam và đặc biệt là ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.


1. U23 Việt Nam thảm bại tại SEA Games


Được kỳ vọng bao nhiêu trong mục tiêu chinh phục chức vô địch SEA Games đầu tiên cho bóng đá Việt Nam, lứa cầu thủ U23 lại gây thất vọng bấy nhiêu. Có thời gian tập trung chuẩn bị tới 3 tháng và được đi tập huấn “nước trong, nước ngoài”, nhưng các học trò của ông Hoàng Văn Phúc đã thể hiện phong độ kém cỏi trên đất Myanmar. Khi đối đầu với các đối thủ trực tiếp là Singapore (0-1) và Malaysia (0-1), những điểm yếu của U23 Việt Nam đã được bộc lộ: Khả năng dứt điểm kém, hàng thủ thiếu chắc chắn, sự lúng túng về chiến thuật của Ban huấn luyện. Kết quả là lần đầu tiên kể từ năm 2001, U23 Việt Nam phải dừng bước ngay tại vòng bảng SEA Games. Tại Nay Pyi Taw, các CĐV đã giương biểu ngữ mang nhiều hàm ý: “Chuyển xem chị em và chờ mấy thằng em U19”.

 

U23 Việt Nam dừng bước tại vòng bảng SEA Games 27.


2. Asian Cup quá sức đối với đội tuyển Việt Nam


Vẫn biết sân chơi châu Á là quá tầm đối với bóng đá Việt Nam, nhưng thực tế là đội tuyển Việt Nam không phải không có cơ hội, khi đường tới VCK tại Australia được mở rộng cho tới đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất tại vòng bảng. Mặc dù vậy, Việt Nam đã không tận dụng được thời cơ trong cuộc chạm trán với đối thủ yếu Hong Kong (Trung Quốc). Thất bại 0-1 tại sân Mong Kok đã mở màn cho chuỗi 5 trận thua liên tiếp của Việt Nam tại bảng E. Kế hoạch chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup 2015 của Việt Nam là thiếu tham vọng, thiếu mục tiêu rõ ràng, trong khi sự quan tâm được dành cho U23 Việt Nam nhiều hơn trong năm qua. Những bài học cần phải được rút ra để ĐTQG có sự chuẩn bị tốt nhất cho AFF Suzuki Cup 2014 mà Việt Nam là đồng chủ nhà.


3. “Vỡ” V-League vì XMXT Sài Gòn


Cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến V-League 2013 chỉ còn 12 CLB tham dự (mất 2 CLB), nhưng nguy cơ các đội bóng tiếp tục bỏ giải vẫn luôn hiện hữu ngay cả khi bóng đã lăn. Mặc dù vậy, vào thời điểm mọi con mắt đổ dồn vào một Kienlongbank Kiên Giang nợ be bét tiền lương, thưởng và phải chạy tiền để thi đấu từng trận một, thì đội tuyên bố bỏ giải lại là XMXT Sài Gòn. Quyết định bỏ giải bất ngờ của XMXT Sài Gòn ngày 21/8 xuất phát từ việc họ bị nghi ngờ tiêu cực trong trận gặp K. Kiên Giang (vòng 19) và bị Ban kỷ luật VFF trừ 4 điểm, nhưng sâu xa hơn, đây là sự tiếp nối của xu hướng các ông bầu “bỏ của chạy lấy người”, vì cách làm bóng đá chuyên nghiệp thiếu căn cơ. XMXT Sài Gòn bỏ giải khiến cục diện V-League bị xáo trộn mạnh: Sông Lam Nghệ An gặp thiệt thòi lớn (-6 điểm), tạo điều kiện cho Hà Nội T&T sau đó đăng quang ngôi vô địch; cuộc chiến trụ hạng không còn ý nghĩa, vì VFF quyết định XMXT Sài Gòn là đội duy nhất phải xuống hạng. K. Kiên Giang được cứu vào thời điểm đó, nhưng thực tế vẫn là thực tế: Do không có tiền, đội bóng này đã phải giải thể và V-League 2014 sẽ khởi tranh với chỉ 13 CLB.

 

XMXT Sài Gòn để lại một tiền lệ xấu tại V-League. Quang Nhựt - TTXVN


4. Nghi án trọng tài nhận hối lộ


Công tác trọng tài tiếp tục là một vấn đề nhức nhối của các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam. Ngày 9/6, VFF đã quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đối với lần lượt Trưởng ban và Phó trưởng ban trọng tài VFF, Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn, liên quan đến nghi vấn 4 trọng tài nhận tiền bồi dưỡng trái quy định trong trận đấu Thanh Hóa - Hoàng Anh Gia Lai (1-0), thuộc vòng 3 V-League 2013. Nhóm trọng tài này gồm: Trọng tài chính Đinh Hải Dương, 2 trợ lý Phạm Đắc Chiến, Đỗ Mạnh Hà và trọng tài thứ tư Kiều Việt Hùng. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an (C45) đã vào cuộc, nhưng nghi án vẫn treo lơ lửng. Mặc dù vậy, VFF mới đây đã quyết định “cất kho” 4 trọng tài kể trên trong mùa giải 2014. Sự mạnh tay của VFF là cần thiết, nhưng e rằng, nếu chỉ đập mà không xây, một ngày nào đó V-League sẽ thiếu hụt các trọng tài chất lượng.


5. Trận đấu tiêu cực của U23 Việt Nam


Trong tiến trình chuẩn bị cho SEA Games 27, U23 Việt Nam đã để lại một scandal đáng quên, xảy ra tại BTV Cup 2013. Ở trận đấu với Bangu Athletico Clube (Brazil), U23 Việt Nam đã chơi một hiệp 2 tồi tệ: Dẫn 3-1 và thi đấu hơn người, nhưng họ đã gần như mở toang đường vào khung thành cho Bangu gỡ 3-3. Dù đây không phải là một trận “bán độ”, mà ý đồ của U23 Việt Nam chỉ là muốn gặp Sinh viên Hàn Quốc ở bán kết, nhưng HLV Hoàng Văn Phúc đã phải trả giá đắt cho việc để các cầu thủ “diễn tuồng”. Chỉ vài giờ sau trận đấu ngày 30/10 đó, ông Phúc đã bị VFF tạm đình chỉ công tác. Đây là một quyết định gây sốc, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các cầu thủ, cũng như mối quan hệ giữa ông Phúc với VFF. Mặc dù vậy, sau khi U23 Việt Nam giành ngôi á quân BTV Cup 2013, ông Phúc đã được khôi phục lại vị trí. Rồi đến sau SEA Games, lần này tới lượt ông Phúc đã đệ đơn từ chức, nhưng VFF không chấp thuận và hiện vẫn giữ HLV này ít nhất tới khi kết thúc vòng loại Asian Cup 2015 (tháng 3/2014).

HLV Hoàng Văn Phúc bị tạm đình chỉ công tác tại BTV Cup 2013.Quốc Khánh - TTXVN

 

6. Vấn đề đạo đức cầu thủ trẻ


Năm 2013 là một năm thành công của các đội tuyển trẻ Việt Nam, nhưng hình ảnh đẹp về họ đã không trọn vẹn, khi vẫn còn có những cầu thủ vô kỷ luật và thể hiện lối đá thiếu fair-play. Tại giải U21 quốc tế - Cúp Báo Thanh Niên, 2 tuyển thủ U21 Việt Nam đã bị bắt gặp “xé rào” đi chơi khuya tại quán bar. Góc khuất của giới cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam một lần nữa lại được nhắc đến, bởi trước đó, không ít cầu thủ Việt đã sa ngã vào ma túy, đỏ đen. Bên cạnh đó, lối chơi thô bạo của các cầu thủ trẻ cũng được thấy ở giải U21 quốc tế - Cúp Báo Thanh Niên, rồi sau đó là tại BIDC Cup 2013 tại Campuchia. Thậm chí, 2 tuyển thủ U22 Việt Nam tham dự BIDC Cup sau đó đã bị đề xuất cấm thi đấu vĩnh viễn cho các đội tuyển Việt Nam.


7. “Bữa cỗ” tại Mỹ Đình


Việc đội bóng hàng đầu của giải Ngoại hạng Anh, Arsenal, sang du đấu tại Hà Nội hồi giữa tháng 7 là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của bóng đá Việt Nam năm 2013. Nhưng đáng tiếc là xung quanh màn trình diễn xuất sắc của “Các pháo thủ” trước đội tuyển Việt Nam (7-1) và những ấn tượng đẹp mà họ để lại qua các cuộc giao lưu với người hâm mộ, còn có hình ảnh tiêu cực về các nhà tổ chức trận đấu. Một cuộc “cò kè ngã giá” gây tranh cãi giữa VFF với Ban quản lý sân Mỹ Đình đã nổ ra. Giá thuê sân bất ngờ bị đẩy lên mức rất cao so với thông thường, với lời giải thích của BQL sân Mỹ Đình: “Nhà có cỗ, bố mẹ được ăn thì cũng phải cho con ăn, chẳng nhẽ bắt con nhịn đói”. Rốt cuộc, nạn nhân của cách “chia cỗ” như vậy là người hâm mộ Việt Nam. Để có một vé xem Arsenal, mỗi người phải bỏ ra trung bình 900.000 đồng (mức giá cao nhất là 1,5 triệu đồng).

 

Chen nhau mua vé trận Arsenal. Quốc Khánh - TTXVN


Song Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN