Sau Hội nghị Trung ương 3 ở Trung Quốc, cánh cửa sinh con thứ 2 đối với các cặp vợ chồng có một trong hai người là con độc nhất đã mở ra. Cơ hội cũng đến với ngành nghề chăm sóc bà mẹ trẻ em và vấn đề tài nguyên nhân lực trở nên dễ thở hơn.
Quyết định của Hội nghị Trung ương 3 cho phép vợ chồng có một trong hai người là con độc nhất được sinh con thứ hai. Tuy nhiên, căn cứ vào “Luật Dân số và Sinh đẻ kế hoạch” hiện hành, biện pháp cụ thể sẽ do HĐND hoặc Thường vụ HĐND tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương quy định. Cho nên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sinh đẻ kế hoạch Quốc gia Trung Quốc Vương Bồi An, sẽ không có một thời gian biểu thống nhất cho việc thực thi chính sách nêu trên, khi nào khởi động sẽ do các địa phương xác định dựa trên tình hình thực tế. Dự kiến, trong năm 2014 sẽ có 1/3 tỉnh thành ở Trung Quốc thực thi chính sách này và tỉnh Quảng Đông có thể sẽ đi đầu.
Ngành sữa sẽ được lợi từ việc nới lỏng chính sách dân số ở Trung Quốc. |
Theo một báo cáo nghiên cứu được nhiều nhà dân số học ở Trung Quốc thừa nhận, nếu chính sách nêu trên được thực thi trên toàn quốc vào năm 2015, mỗi năm, nước này sẽ có thêm khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra và khả năng tăng thêm 2 triệu trẻ em là rất thấp. Nói một cách khác, chính sách mới sẽ không làm dân số Trung Quốc bùng nổ. Kết quả điều tra của tờ “Nam Phương Đô thị báo” cũng cho thấy có tới 66% số người được hỏi muốn sinh 2 con, nhưng kể cả khi chính sách cho phép thì vấn có gần 80% không muốn sinh con thứ hai mà nguyên nhân chính là “sinh con quá tốn kém”. Tuy nhiên, do bị hạn chế bởi chính sách cũ trong nhiều năm và lại được chính sách mới kích thích, dự kiến trong vài năm đầu thực hiện, số trẻ sinh thêm ở Trung Quốc dự kiến sẽ vượt quá con số 1 triệu.
Nghiên cứu cho thấy nếu toàn Trung Quốc thực hiện chính sách mới vào năm 2015, đỉnh dân số của nước này sẽ xuất hiện vào khoảng từ năm 2026 - 2029 với tổng dân số từ 1,401 -1,412 tỉ người. |
Chính sách dân số được nới lỏng không chỉ là niềm vui đối với nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc, cơ hội cũng mở ra đối với ngành nghề chăm sóc bà mẹ trẻ em. Dự báo sẽ được hưởng lợi bởi chính sách mới này, trong những phiên giao dịch sau khi thông tin liên quan được công bố, cổ phiếu các hãng sản xuất thức ăn, đồ dùng, đồ chơi trẻ em và chăm sóc bà bầu niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hong Kong đều tăng mạnh. Nhu cầu gia tăng trong lĩnh vực này không chỉ góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng tỉ trọng tiêu dùng, mà còn tạo thêm việc làm, giúp ổn định xã hội. Đó là lợi ích trước mắt, về lâu dài, một nghiên cứu của Deutsche Bank chỉ ra rằng từ việc thực thi chính sách mới sẽ giúp GDP tiềm năng của Trung Quốc tăng thêm 0,2% trong khoảng từ năm 2030-2050.
Một vấn đề khác là hiện nay, Trung Quốc đã chính thức bước vào thời đại lão hóa dân số, hơn nữa, tốc độ lão hóa khá nhanh. Năm 2012, tỉ lệ người trên 65 tuổi ở Trung Quốc chiếm 9,4% dân số và trên 60 tuổi là 14,3%. Năm 2010, bình quân tuổi thọ của người Trung Quốc là 74,83% tuổi, tăng 3,43 tuổi so với năm 2000, dự kiến tới năm 2015 sẽ lại tăng thêm 1 tuổi. Trong khi đó, số trẻ sinh ra từ chính sách nêu trên sẽ giúp pha loãng tỉ trọng người gia trong dân số. Nhưng quan trọng hơn là ở khía cạnh tài nguyên nhân lực.
Sau năm 2030, khi những đứa trẻ ra đời từ chính sách mới đến tuổi lao động, thực lực kinh tế Trung Quốc đã tiếp cận các nước phát triển. Nước này cũng thoát khỏi ngành nghề nhân công giá rẻ, hàm lượng chất xám thấp. Ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ hiện đại phát triển đòi hỏi một lượng lớn nhân công. Việc mỗi năm có thêm cả triệu lao động mới sẽ giúp Trung Quốc đáp ứng nhu cầu này. Họ đồng thời là nguồn đóng thuế làm giảm bớt áp lực đối với nguồn thu ngân sách.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)