Cuộc hội kiến đầu tiên giữa Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif bên lề khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York (Mỹ) không phải là cuộc gặp cấp cao chính thức, nhưng vẫn có ý nghĩa đặc biệt bởi đây rất có thể sẽ tạo ra một khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai quốc gia Nam Á vốn tồn tại nhiều hiềm khích này.
Hàn gắn vết rạn mới
Những tháng gần đây, quan hệ Ấn Độ - Pakistan lại gia tăng căng thẳng trở lại và tiến trình hòa bình giữa hai nước càng trở nên mong manh khi các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn dọc Ranh giới kiểm soát (LoC) tại khu vực Kashmir liên tiếp xảy ra. Tình hình căng thẳng khiến Thủ tướng Ấn Độ Singh khi ngồi trên máy bay tới New York mới khẳng định sẽ gặp ông Sharif. Cuộc gặp đã trở thành một gánh nặng chính trị đối với Thủ tướng Singh khi ông phải chịu áp lực lớn từ phe đối lập trong nước yêu cầu không tiến hành cuộc gặp do các cuộc tấn công của binh sĩ Pakistan gây thương vong cho quân đội Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Singh (phải, trước) và người đồng cấp Pakistan Sharif (trái, trước) trong cuộc hội đàm tại New York ngày 29/9. AFP/TTXVN |
Vụ tấn công dọc LoC ở khu vực Poonch thuộc bang Jammu và Kashmir hồi tháng 8 vừa qua làm 5 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đã dội một gáo nước lạnh vào mối quan hệ đang có chiều hướng tiến triển tốt đẹp giữa Ấn Độ và Pakistan. Phía Pakistan đã bác bỏ bất kỳ sự dính líu nào đến vụ tấn công này, song Lục quân Ấn Độ cho rằng lực lượng khủng bố được quân đội Pakistan hỗ trợ đã tiến hành vụ tấn công trên. Tuyên bố này đã làm dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ của phe đối lập ở Ấn Độ. Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) - đảng đối lập lớn nhất tại Ấn Độ - đã công kích chính sách mềm yếu của chính phủ đối với Pakistan. Trong khi đó, đảng Quốc đại - đứng đầu Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền - đang phải để mắt đến cuộc tổng tuyển cử nhiệm kỳ tới (dự kiến vào tháng 5/2014) và muốn tránh bất cứ rủi ro chính trị nào từ chính sách đối ngoại, nên ít dành sự ủng hộ cho nỗ lực của Thủ tướng Singh trong việc bình thường hóa quan hệ với Pakistan. Cuộc tấn công tại Jammu hồi tuần trước càng khiến nhiệm vụ của Thủ tướng Singh thêm khó khăn và phức tạp.
Tuy vậy, Thủ tướng Singh, bất chấp sự chỉ trích trong nước đối với chính sách về Pakistan, đã có cuộc gặp với người đồng cấp Sharif tại New York. Trong cuộc gặp kéo dài hơn một giờ này, hai nhà lãnh đạo đã cam kết tìm kiếm các giải pháp hạ nhiệt tình hình căng thẳng hiện nay, đồng thời quyết định giao nhiệm vụ cho các quan chức quân đội cấp cao hai nước tìm các biện pháp hữu hiệu để nối lại lệnh ngừng bắn tại khu vực nóng bỏng Kashmir. Hai bên nhất trí rằng điều kiện tiên quyết để giải quyết và thúc đẩy quan hệ song phương là cần cải thiện tình hình hiện nay dọc LoC. Thủ tướng Pakistan cũng hứa sẽ có hành động trừng phạt những kẻ gây ra vụ tấn công khủng bố tại thành phố Mumbai của Ấn Độ hồi tháng 11/2008, làm 166 người thiệt mạng.
Báo chí Ấn Độ nhận định cuộc gặp Singh-Sharif bên lề khóa họp thứ của ĐHĐ LHQ là một tiến triển đáng hoan nghênh trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan. Đây là lần đầu tiên thủ tướng hai nước gặp nhau kể từ khi ông Sharif tái đắc cử hồi tháng 5/2013 và cũng là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa lãnh đạo hai nước trong vòng 3 năm qua.
Tạo sự khởi đầu mới
Trước, trong và sau cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo đều thể hiện thiện chí giảm căng thẳng và ngăn ngừa đụng độ bằng cam kết tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngừng bắn năm 2003 và thiết lập cơ chế mới để giám sát và thực thi ngừng bắn. Tuy nhiên, kết quả được cho là tích cực này liệu có góp phần thúc đẩy tiến trình hòa bình và bình thường hóa quan hệ Ấn Độ - Pakistan hay không còn phụ thuộc nhiều vào quân đội hai nước. Nếu quân đội có thể vạch ra những biện pháp nhằm tăng cường thỏa thuận ngừng bắn, khôi phục lòng tin, điều đó có thể sẽ mở đường cho những bước đi tiếp theo nhằm cải thiện quan hệ hai nước.
Nhà phân tích chiến lược người Ấn Độ Raja Mohan nhận định, không chỉ Thủ tướng Singh mà nhiều người tiền nhiệm của ông trong 25 năm qua đã rất cố gắng song vẫn không thay đổi được quan hệ Ấn Độ - Pakistan. Những gánh nặng lịch sử và xung đột khiến tiến trình thương lượng với Pakistan không hề dễ dàng. Nhưng không giống những người tiền nhiệm, Thủ tướng Singh chắc chắn có nhiều cơ hội hơn để tiến những bước quan trọng. Ông Singh được thừa kế nỗ lực hòa bình của Thủ tướng tiền nhiệm B. Vajpayee từ năm 1998 và quan trọng nhất là thỏa thuận ngừng bắn dọc LoC tại Kashmir ký tháng 11/2003. Nỗ lực của Thủ tướng Singh nhằm khôi phục tiến trình hòa bình với Pakistan đạt được dấu mốc quan trọng năm 2012, khi hai bên đàm phán thành công lộ trình bình thường hóa quan hệ thương mại và thay đổi trong việc cấp thị thực. Ấn Độ và Pakistan đều hy vọng ổn định quan hệ song phương sẽ giúp thúc đẩy thương mại nhiều hơn vì lợi ích đôi bên.
Trở lại với cuộc gặp Singh - Sharif, dù vẫn cách xa một giải pháp cho tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở vùng Kashmir, nhưng hai bên đã có được bước đi đúng hướng và mang ý nghĩa chính trị không nhỏ. Cả New Dehli và Islamabad đều có lợi ích thiết thực và nhu cầu cấp bách phải bình thường hóa và phát triển quan hệ song phương, vì thế cần phải nỗ lực cải thiện quan hệ trong khi chưa có giải pháp cuối cùng cho tranh chấp ở Kashmir - vấn đề nan giải và nhạy cảm nhất trong số những vướng mắc lâu nay giữa hai nước. Mọi tiến triển dù nhỏ cũng quan trọng vì góp phần xây dựng và củng cố lòng tin, hướng tới sớm nối lại tiến trình đối thoại và tháo gỡ dần các trở ngại.
Tại cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo đều muốn cải thiện tình hình ở đường biên giới chung cũng như quan hệ song phương. Trước đó, trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ, ông Sharif đã kêu gọi mở ra một chương mới trong quan hệ Pakistan - Ấn Độ. Ông cho rằng việc hai nước chạy đua vũ trang trong vài thập kỷ qua do nghi ngờ lẫn nhau là hành động lãng phí vô ích các nguồn tài nguyên đáng lẽ phải dành cho việc phát triển kinh tế - xã hội vì sự thịnh vượng của hai nước cũng như trên thế giới.
Nguyệt Ánh