Ca nhiễm cúm A/H1N1 tăng nhưng không bất thường

Trong vòng hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã có 4 ca nhiễm cúm A/H1N1 tử vong. Trong khi đó, số các chùm ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 vẫn không ngừng tăng lên… Tại sao từ đầu năm tới nay, dịch cúm A/H1N1 lại “nóng” hơn so với năm 2012? GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức xung quanh vấn đề này.

 

Diễn biến dịch cúm A/H1N1 từ đầu năm đến nay có yếu tố gì bất thường không, thưa GS?


Trước hết, xin được nhấn mạnh là chủng virút cúm mà chúng ta đang nhắc tới là chủng virút cúm A/H1N1pdm09 (cúm A/H1N1đại dịch). Đây là chủng virút gây đại dịch cúm đầu tiên trong thế kỷ 21 (năm 2009), đang lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.


Từ năm 2006, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã triển khai Chương trình giám sát hội chứng cúm ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, các chủng virút cúm mùa lưu hành trên người tại Việt Nam gồm: Cúm A/H1N1 (giai đoạn trước năm 2009), cúm A/H1N1 đại dịch (sau 2009), cúm A/H3N2, cúm B, cúm A/H5N1. Trong đó, virút cúm A/H1N1 đại dịch lưu hành và tăng cao chủ yếu trong các năm 2009, 2011 và đầu năm 2013.


Kết quả giám sát cúm trong tháng 4/2013 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân có hội chứng cúm dương tính với virút cúm mùa nói chung là 24,1%; trong đó, bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 chiếm tỷ lệ 60,5%, tăng mạnh so với năm 2012. Tuy nhiên, qua theo dõi sự lưu hành của các chủng virút cúm cho thấy, sự gia tăng của chủng cúm A/H1N1 đại dịch như vậy là theo chu kỳ dịch bệnh, nghĩa là thời điểm này cúm A/H1N1 bùng phát thì thời gian sau sẽ giảm và thay thế vào đó là một chủng virút khác.

PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế:

 Người dân không nên quá hoang mang, bởi diễn biến của dịch cúm A/H1N1 đại dịch từ đầu năm đến nay vẫn nằm trong chu kỳ bình thường. Năm 2011, tỷ lệ dương tính với cúm A/H1N1 trong tổng số trường hợp nhiễm cúm là gần 70%, năm 2012 tỷ lệ này là 1,3% và hiện nay đang dao động từ 40 - 60%.

TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ:

Tất cả các virút cúm đều có khả năng gây bệnh nặng và tử vong. Kết quả giám sát gần 400 ca nhiễm cúm nặng thời gian qua cho thấy, có tới 39% nhiễm cúm B, cúm A/H1N1 là 32%, cúm A/H3N2 là 29%...


Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A/H1N1 đại dịch và một số ổ dịch nhỏ ở một số tỉnh như: Quảng Ninh, Yên Bái và Lào Cai… Theo nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 đại dịch trong số các bệnh nhân cúm nhập viện là 0,41%. Giám sát virút cúm trên các bệnh nhân tử vong vừa qua cho thấy, không phát hiện các đột biến gen liên quan đến khả năng gây bệnh nặng hoặc tử vong cao.

 

Người dân đang đổ xô đi tiêm phòng cúm, điều này có nên không, thưa GS?


Các vắcxin cúm mùa là an toàn và hiệu quả trong việc dự phòng bệnh cúm vì giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Vắcxin cúm mùa năm 2012- 2013 có chứa các kháng nguyên cúm sau: Cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B.


Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, những người nên tiêm vắcxin cúm hàng năm là những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và nguy cơ có biến chứng cao, theo thứ tự ưu tiên bao gồm: Những người sống trong các nhà dưỡng lão, người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính (bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hen suyễn, bệnh tiểu đường, bệnh thận mãn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch); phụ nữ sẽ có thai trong mùa xảy ra bệnh dịch cúm, cán bộ y tế, trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi.

Người dân cần áp dụng biện pháp gì để phòng, chống bệnh cúm A/H1N1 đại dịch nói riêng và bệnh cúm nói chung, thưa GS?


Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền bệnh từ gia cầm. Phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm bệnh và gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng.


Đặc biệt, người dân cần tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến thức ăn; cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay; tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.


Khi bị ho, sốt cao, khó thở, phải đến ngay cơ quan y tế để được khám và điều trị kịp thời.


Xin cảm ơn GS!

Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN