Các lâm trường tại Kon Tum: Chưa đổi mới căn bản

Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường, tỉnh Kon Tum đã nhiều lần thay đổi cách thức quản lý cũng như tên gọi các lâm trường trên địa bàn. Tuy nhiên, đây chỉ là... bình mới rượu cũ. Hàng chục nghìn diện tích lâm phần của các nông lâm trường này đang bị người dân lấn chiếm trong thời gian dài.

 

“Bình mới, rượu cũ”


Tính từ năm 1992 đến nay, các công ty Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đổi mới sắp xếp nhiều lần nhưng chỉ là thay đổi về hình thức và tên gọi. Hiện chưa có công ty nào được đổi mới căn bản về cơ chế chính sách đối với các công ty lâm nghiệp, mà vẫn mang nặng tính bao cấp theo mô hình trước đây. Các công ty mới đều phải kế thừa từ các công ty cũ từ cách quản lý, nhân sự, cơ sở vật chất cũng như diện tích lâm phần của các công ty cũ nên chưa có chuyển biến thực sự, chưa tạo ra yếu tố mới thúc đẩy phát triển so với các lâm trường trước đây, thậm chí còn bộc lộ nhiều khó khăn hơn.

 

Đổi mới nông, lâm trường quốc doanh phải tạo được cơ chế quản lý mới và hình thức phù hợp.


Theo ông Nguyễn Kim Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum: Tỉnh Kon Tum đã chuyển đổi các công ty Lâm nông công nghiệp và dịch vụ các huyện và Lâm trường Kon Tum thành 7 công ty TNHH MTV lâm nghiệp với 16 lâm trường trực thuộc. Các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng điều khó khăn là nguồn lực tài chính cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật còn quá thấp kém, hoạt động sản xuất trong lâm nghiệp chủ yếu là thủ công, hoạt động dịch vụ còn nghèo nàn, hiệu quả thấp. Các Công ty này đều thiếu tự chủ, kinh doanh không đầy đủ, không tạo được vốn tự có, vốn rừng chưa trở thành vốn của doanh nghiệp. Trong khi đó, với mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, các công ty Lâm nghiệp cần có vốn phát triển trồng rừng sản xuất nhưng các ngân hàng đều từ chối cho vay. Theo lý giải của các ngân hàng, các công ty này hầu hết không có tài sản để thế chấp, trong khi dự án trồng rừng có mức độ rủi ro cao, không có vốn đối ứng…


Bên cạnh đó, các công ty Lâm nghiệp được giao nhiệm vụ chính là bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; tuy nhiên thời gian gần đây nguồn thu của các doanh nghiệp này không phải là nguồn thu từ rừng.


Dân vô tư… lấn chiếm


Đến nay, 7 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum quản lý gần 280.000 ha rừng và đất rừng, chiếm 37,4% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Sau khi rà soát, diện tích còn hiện nay là hơn 258.000 ha, bị hụt so với trước gần 22.000 ha. Toàn tỉnh có hơn 32.000 ha đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm để làm nương rẫy, thậm chí UBND các huyện cũng giao “nhầm” đất cho dân chồng lên diện tích đất của các lâm trường.


Huyện Đắk Glei là địa phương có đất rừng bị người dân lấn chiếm nhiều nhất với gần 9.000 ha.Công ty TNHH MTV Đắk Glei được UBND tỉnh quyết định giao 32.012,4 ha; trong đó, rừng tự nhiên là 25.262 ha, rừng trồng 1.035,6 ha, đất không có rừng là 2.505,3 ha, nương rẫy và đất khác là 9.146,5 ha. Tuy nhiên, đến khi rà soát lại thì diện tích đất có rừng tự nhiên giảm xuống còn 20.039,2 ha, rừng trồng giảm xuống còn 321,41 ha, diện tích nương rẫy và đất khác tăng lên tới 9.146,5 ha.


Còn tại huyên Đắk Hà, trong tổng diện tích 9.131,7 ha đất lâm nghiệp do công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Hà quản lý thì có tới hơn 3.700 ha đất bị hơn 1.200 hộ dân lấn chiếm.


Tình hình vi phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh nhất là tại các công ty lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 3.319 vụ vi phạm, làm thiệt hại 6.611,8 m3 gỗ các loại và 324,4 ha rừng.


Thực hiện chủ trương của Nhà nước, sắp xếp lại các công ty Lâm nghiệp cho có hiệu quả, ngành lâm nghiệp Kon Tum đã xây dựng kế hoạch, đề án chuyển đổi, sắp xếp các lâm trường theo hướng: các công ty Lâm nghiệp hoặc lâm trường quốc doanh phải thật sự là chủ rừng, được phép hoạt động theo Luật Doanh nghiệp…


Ông Nguyễn Kim Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, Ngành lâm nghiệp Kon Tum đã xây dựng đề án chuyển đổi thêm 1 lần nữa các công ty lâm nghiệp trên với mục tiêu các công ty này không quản lý diện tích rừng quá lớn như hiện nay. Các công ty Lâm nghiệp hoặc lâm trường quốc doanh phải thật sự là chủ rừng, được phép hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thực hiện được tiêu chí “lấy rừng, nuôi rừng và bảo vệ rừng theo hướng bền vững”. Các lâm trường sẽ sát nhập hoặc chia tách thành nhiều lâm trường khác nhau hoặc trả về địa phương để quản lý cho chặt chẽ, đúng với tiêu chí trên. Đối với các lâm trường, công ty không đủ tiêu chí xây dựng phương án quản lý rừng bền vững sẽ chuyển đổi, sáp nhập thành đơn vị sự nghiệp.


UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có quyết định 969/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 ban hành phương án giải quyết đất giao chồng lấn, đất lấn chiếm trong các lâm phần trên địa bàn.


Một số chủ rừng đề xuất: Chính phủ cần có chủ trương giao thẳng rừng cho cộng đồng người dân sống trong khu vực này bảo vệ rừng. Từ nguồn vốn phí dịch vụ môi trường rừng, cán bộ kiểm lâm địa bàn hoặc cán bộ lâm trường địa bàn cùng với cộng đồng đi kiểm tra, bảo vệ rừng và được trả công trong những chuyến đi này. Có như vậy người dân và cộng đồng mới hăng hái và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng.

 

Sỹ Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN