Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã phỏng vấn Giáo sư danh dự Trường Đại học Tokyo, ông Akira Ishii, liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép tại thềm lục địa của Việt Nam. Giáo sư Akira Ishii là người am hiểu và có nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc cận - hiện đại.
Theo Giáo sư, lý do thực sự của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là gì?
Trung Quốc đã có ý đồ khai thác nguồn lợi dầu mỏ ở Biển Đông từ cách đây hàng thập kỷ. Tôi cho rằng diễn biến phức tạp trên thực địa vừa rồi cũng như căng thẳng được đẩy lên cao ở Biển Đông giữa hai nước chưa hẳn đã nằm trong dự liệu của nhà cầm quyền Trung Quốc khi họ quyết định đặt giàn khoan Hải Dương - 981. Họ chưa lường hết được những hệ quả của động thái này. Động thái đó đã buộc Việt Nam phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Cần lưu ý là sự kiện lần này xảy ra ngay sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến công du châu Á lần này, Mỹ và Philippines đã ký kết Hiệp định hợp tác quân sự, thắt chặt quan hệ đồng minh. Và đây có thể là lý do chính khiến cho căng thẳng trên Biển Đông được đẩy lên cao.
Giáo sư Akira Ishii trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. |
Có quan điểm cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại thềm lục địa Việt Nam không chỉ nhằm mục đích khai thác cho nhu cầu dầu mỏ mà nó mang động cơ về chính trị. Ý kiến của ông về việc này ra sao?
Việc Trung Quốc xác lập quyền kiểm soát đối với các vùng biển đã nằm trong mục tiêu hàng thập kỷ qua của nước này. Ý nghĩa của việc xác lập quyền chi phối hải dương của Trung Quốc là nhằm đối đầu với Mỹ. Bắc Kinh đang thực hiện kế hoạch cân bằng ảnh hưởng với Mỹ thông qua việc phân chia phạm vi ảnh hưởng và chi phối thực tế tại Tây Thái Bình Dương. Biển Đông và biển Hoa Đông đương nhiên là không nằm ngoài toan tính của Bắc Kinh. Và thực tế là chúng ta đã nhận thấy quan điểm mở rộng ảnh hưởng về hải dương của Trung Quốc thông qua các sự kiện vừa rồi. Rõ ràng, đối tượng chính mà Bắc Kinh muốn nhắm đến chính là Washington.
Để đối phó với tham vọng hải dương và những động thái nguy hiểm của Trung Quốc trên các vùng biển, Nhật Bản và các quốc gia cần phải làm gì để ngăn chặn hoặc hạn chế nguy cơ nổ ra xung đột?
Theo tôi, các nước, trong đó có Nhật Bản, cần sớm thống nhất đối sách hiệu quả nhằm đương đầu với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với khu vực. Và căn cứ để chúng ta triển khai được việc đó không gì khác là phải dựa vào luật pháp quốc tế. Tôi cho rằng “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh vẽ ra trên Biển Đông quả thật là một điều “nực cười”. Dù có nói thế nào thì căn cứ vào luật pháp quốc tế, “đường chín đoạn” cũng hết sức phi lý. Theo hiểu biết của tôi thì “đường chín đoạn” không phải do chính quyền Trung Quốc hiện nay tự nghĩ ra mà nó có nguồn gốc từ thời Trung Hoa Dân Quốc.
Về sau, chính quyền Trung Quốc hiệu chỉnh lại và dựa vào đó để đưa ra các yêu sách chủ quyền. Và đương nhiên là các nước đã phản ứng trước sự phi lý của “đường chín đoạn” căn cứ theo luật pháp quốc tế. Chính phủ Trung Quốc luôn tuyên bố rằng Biển Đông nằm trong “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh, song tôi được biết không ít người Trung Quốc có quan điểm khác với chính quyền và họ ủng hộ quyền tự do đi lại trên biển của các quốc gia.
Theo ông, Trung Quốc được gì và mất gì qua động thái đặt giàn khoan tại thềm lục địa của Việt Nam?
Rất khó để xác định được cái được và cái mất của Trung Quốc thông qua sự việc lần này. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách chiếm đóng đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như mở rộng khả năng kiểm soát đối với vùng biển xung quanh quần đảo này. Tôi e rằng Trung Quốc sẽ thực hiện mục đích khai thác và tìm kiếm các nguồn lợi dầu mỏ đến cùng đối với khu vực này. Cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực đang gây sức ép buộc Trung Quốc phải từ bỏ động thái trên... Tôi cho rằng chắc chắn Việt Nam cần đưa ra đề nghị đối với ASEAN là phải nhất trí một quan điểm và đối sách rõ ràng đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc sẽ chờ đợi xem ASEAN sẽ có phản ứng ra sao đối với các sự kiện vừa qua tại Biển Đông và các nước Đông Nam Á sẽ đi đến nhất trí trong vấn đề gì và với mức độ thế nào để từ đó, Bắc Kinh xác định những động thái tiếp theo của họ trong thời gian tới.
Vậy ông có thể đưa ra một số dự báo về tình hình hiện nay hay không? Liệu Trung Quốc có tiếp tục những hành động leo thang hay sẽ tìm cách hạ nhiệt?
Trong vấn đề Hoàng Sa, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi tham vọng mở rộng quyền chi phối thực tế đối với vùng biển quanh quần đảo này. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, Trung Quốc chưa tính đến việc đánh chiếm hay xác lập khả năng chi phối toàn bộ khu vực Biển Đông. Mặc dù hiện nay các cuộc thương thảo giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) vẫn chưa có mấy tiến triển, song việc thúc đẩy đàm phán và đặt ra với Bắc Kinh nghĩa vụ tuân thủ các quy tắc này có ý nghĩa quan trọng. Tôi nghĩ là không có biện pháp nào khác ngoài việc các bên cùng thương lượng sớm đi đến thống nhất COC và đây là cách thức duy nhất để hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông.
Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)