Được hỗ trợ 2 con bò từ Chương trình 135, gia đình anh Lương Văn Phú, dân tộc Thái ở xóm Phong Quang, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) đã thoát nghèo bền vững. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN |
Các địa phương trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên đang phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan tổ chức phê duyệt danh mục công trình, dự án, đồng thời nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng hàng trăm công trình kết cấu hạ tầng như đường giao thông, điện lưới quốc gia, thủy lợi, trường học… cho các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Lâm Đồng là địa phương giải ngân nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng 6 tháng đầu năm 2018 cho các xã, thôn, buôn làng đặc biệt khó khăn cao nhất trong khu vực với 62% kế hoạch.
Đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã triển khai cấp phát miễn phí giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm…, giúp đồng bào các dân tộc nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đức, công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của các tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng triển khai thực hiện khá tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trung bình chung toàn khu vực còn hơn 14,4%. Tỉnh Lâm Đồng có tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thấp nhất trong khu vực; chiếm 12,2% so với tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh
Hiện nay, 10 tỉnh trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) có 373 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 932 thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017- 2020.