Các tỉnh Tây Nguyên nỗ lực khắc phục hạn hán

Kon Tum: Hạn hán đang diễn ra khốc liệt. Đến nay toàn tỉnh đã có trên 1.000 ha bị hạn, trong đó diện tích lúa nước trên 800 ha, còn lại là các loại cây trồng khác như cà phê, ngô và rau màu. Mặc dù chính quyền cũng như người dân địa phương đã chủ động, tích cực phòng chống hạn, song tại một số khu vực trong tỉnh, do nguồn nước không còn, nên khoảng 500 ha cây trồng có khả năng bị mất trắng. Dự kiến, tình hình khô hạn ở Kon Tum sẽ còn khốc liệt hơn trong những ngày tới, khi mà ngay cả các hồ đập thủy lợi cũng đang bị hạn.


Tỉnh Kon Tum đã cấp 16 tỷ đồng cho các địa phương mua máy bơm, hỗ trợ xăng dầu, tiền công giúp người dân chống hạn. Tại những khu vực hạn nặng như cánh đồng xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), xã Đắk La, Hà Mòn (Đắk Hà), các huyện Kon Rẫy, Đắc Glei… huy động nhân dân đắp đập tạm ngăn suối lấy nước; tổ chức đào ao hồ, thực hiện giải pháp bơm chuyền đưa nước tới đồng ruộng, đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.


Cùng với việc chống hạn cho cây trồng, vật nuôi, chính quyền và người dân tỉnh Kon Tum đang phải chống chọi với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.


Đắk Nông: Tại tỉnh có hơn 1.200 ha lúa, gần 10.000 ha cà phê, hơn 145 ha hoa màu… đang thiếu nước tưới nghiêm trọng. Tỉnh đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp, chính quyền các huyện thực hiện khẩn trương các biện pháp chống hạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.


Ngày 9/3, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đánh giá về tình hình khô hạn và các giải pháp chống hạn của địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu tỉnh thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp để chống hạn để cứu cây trồng, đặc biệt là vụ lúa đông xuân năm 2013. Cụ thể, tỉnh Đắk Nông thực hiện ngay công tác sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi; lập các trạm bơm lưu động để giúp dân cứu lúa ở những vùng đang bị thiếu nước tưới nghiêm trọng. Tỉnh cần có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị các nhà máy thủy điện trên địa bàn như: Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah (huyện K Rông Nô), Buôn Ku ốp (huyện Cư Jút), Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 (huyện Đắk Glong) phải xả nước đúng như cam kết phục vụ sản xuất của người dân.


Hoàng Cao Nguyên - Trần Hữu Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN