Nghiên cứu cách thức mới để giải quyết tranh chấp biên giới, tăng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD vào năm 2015 và xây dựng mối tin tưởng song phương chiến lược, tăng cường hợp tác và hướng về tương lai phát triển lành mạnh để mang lại lợi ích cho hòa bình châu Á và toàn cầu. Đó là cam kết cũng như kết quả đạt được trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới quốc gia láng giềng lớn Ấn Độ.
Việc ông Lý Khắc Cường chọn Ấn Độ làm điểm đến thứ nhất trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Trung Quốc cách đây ba tháng cho thấy vị thế quan trọng của Niu Đêli trong chính sách bang giao song phương của Bắc Kinh.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại New Dehli ngày 20/5. Ảnh AFP/TTXVN |
Điều này cũng được ông nhắc lại trong chuyến thăm, lồng thêm tình cảm cá nhân vẫn giữ vẹn nguyên những ký ức tốt đẹp của ông lần đến Ấn Độ cách đây 27 năm khi vẫn đang trong thời thanh niên sôi nổi. Không chỉ thể hiện ở lời nói, trong 24 giờ đầu đặt chân tới thủ đô Niu Đêli, ông Lý Khắc Cường đã có tới hai cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh, một là đàm phán song phương và cuộc thứ hai có sự tham gia của phái đoàn hai bên. Hai bên đã dành cho nhau những lời lẽ tốt đẹp, trong đó ông Lý Khắc Cường khẳng định mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ là chìa khóa cho hòa bình thế giới, là động lực cho kinh tế toàn cầu. Đáp lại, Thủ tướng Ấn Độ cũng nhấn mạnh ông coi mối quan hệ song phương Trung - Ấn tốt đẹp là điều tối cần thiết để mở rộng phát triển khu vực.
Những lời lẽ hữu nghị này đã phần nào xóa đi bầu không khí căng thẳng giữa hai nước do vụ đối đầu trên biên giới xảy ra ngay tháng trước, khi Niu Đêli tố cáo lực lượng biên phòng Trung Quốc đã xâm nhập sâu gần 20 km vào vùng Ladakh ở Himalayas mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, khơi ngòi cho tình trạng đối đầu suốt gần ba tuần. Vụ việc chỉ được giải quyết khi binh sĩ hai nước rút khỏi những vị trí mà họ trú đóng trước đó, ngay trước khi Ngoại trưởng Ấn Độ đi thăm Trung Quốc.
Liên quan vấn đề này, các nhà lãnh đạo của hai cường quốc châu Á cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp để xây dựng lòng tin và tìm kiếm cơ chế mới để giải quyết vấn đề do lịch sử để lại. Phát biểu trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Singh nói: “Nền tảng của sự tiếp tục tăng trưởng và nới rộng của các mối quan hệ giữa hai nước chúng ta là hòa bình và yên tĩnh ở biên giới. Trong lúc tìm kiếm một giải pháp sớm sủa cho vấn đề biên giới, Thủ tướng Lý và tôi đồng ý với nhau là điều này cần được tiếp tục, cần được duy trì”.
Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận là cần phải cải thiện các cơ chế quản lý biên giới và khắc phục những sự bất đồng giữa nước ông với Ấn Độ. Nhưng ông Lý đã nhấn mạnh nhiều hơn tới ảnh hưởng toàn cầu của sự hợp tác giữa hai cường quốc đang trỗi dậy của thế giới. Ông Lý Khắc Cường lặp lại nhận định của Thủ tướng Singh là “thế giới đủ lớn để dung nạp những khát vọng tăng trưởng của cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thêm rằng “không có một sự phát triển chung của Trung Quốc và Ấn Độ, châu Á sẽ không trở nên hùng mạnh và thế giới sẽ không trở thành một nơi tốt đẹp hơn”. Vì sự đề cao này, truyền thông Ấn Độ bình luận rằng Thủ tướng Trung Quốc đã “chìa bàn tay qua dãy Himalaya”.
Ngoài vấn đề biên giới, mục tiêu cải thiện trao đổi thương mại giữa hai quốc gia có dân số chiếm 40% dân số toàn cầu này cũng là trọng tâm chuyến đi của ông Lý Khắc Cường. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ với giao dịch thương mại hai chiều năm 2012 đạt 66,5 tỉ USD. Tuy nhiên, con số của năm 2012 trên thực tế đã giảm so với con số 74 tỉ USD của năm 2011 và chưa bằng 1/8 doanh số thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Ấn Độ đang nhập siêu với Trung Quốc 29 tỉ USD. Thủ tướng Singh đã bày tỏ sự quan tâm của Ấn Độ về vấn đề chênh lệch này và muốn Trung Quốc mở rộng thị trường cho các công ty Ấn Độ. Hai bên đã đề ra mục tiêu nâng kim ngạch trao đổi song phương lên 100 tỉ USD vào năm 2015. Nhằm đẩy mạnh thương mại, hai bên quyết định thành lập ba nhóm làm việc gồm Nhóm làm việc xúc tiến dịch vụ thương mại; Nhóm Hợp tác về kế hoạch Kinh tế & Thương mại; và Nhóm Phân tích thống kê Thương mại. Hai nhà lãnh đạo cũng chứng kiến các thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, du lịch cho tới thương mại.
Sau Ấn Độ, ông Lý Khắc Cường tiếp tục chuyến công du tới Pakistan, Thụy Sĩ và Đức. Sự kết hợp cả láng giềng gần lẫn các bạn phương xa này dường như mang theo một thông điệp rằng Bắc Kinh muốn mở rộng thêm các mối quan hệ thay vì bị xem như một mối đe dọa đối với thế giới. Một số học giả Trung Quốc nhận định trong ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, các cặp quan hệ Trung - Ấn và Trung Quốc – Pakistan đều hết sức quan trọng. Sau Ấn Độ, Pakistan là láng giềng quan trọng và là đối tác chiến lược trong mọi hoàn cảnh của Trung Quốc. Vì thế, phát triển quan hệ hữu nghị với các nước Nam Á là hết sức quan trọng đối với Trung Quốc.
Cũng theo giới học giả Trung Quốc, trong hai đích đến cuối tại châu Âu, Thụy Sĩ là quốc gia có địa vị đặc biệt, còn Đức là một trong những “đầu tàu kinh tế” của khu vực. Ông Khúc Tinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng chuyến thăm thể hiện nỗ lực của Bắc Kinh trong phát triển quan hệ toàn diện với châu Âu. Còn ông Nguyễn Tông Trạch, Viện phó Viện này, nhận định trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch gia tăng do khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện nay, chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường một mặt sẽ củng cố quan hệ hữu nghị, mặt khác góp phần loại bỏ trở ngại đối với đầu tư của châu Âu vào Trung Quốc.
Đỗ Sinh