Cảm thông, chia sẻ với đồng bào vùng khó

Tình trạng di cư tự do còn diễn biến phức tạp, nhất là ở một số tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên, đời sống của người dân di cư tự do gặp nhiều khó khăn, thiếu những điều kiện tối thiểu để phục vụ cuộc sống; làm thế nào để giải quyết những vấn đề khó khăn đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.

 

Bộ trưởng Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử thăm một bản tái định cư thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La).

 

Đó là những vấn đề người dân quan tâm gửi tới Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trên kênh VTV1 tối 26/8/2012.

 

Không khuyến khích di cư tự do


Về vấn đề dân di cư tự do, Bộ trưởng Giàng Seo Phử khẳng định, trong thời gian vừa qua, việc xử lý vấn đề di cư tự do còn nhiều thiếu sót, làm chưa đến nơi đến chốn, bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa thực sự chăm lo cho người dân, nên hiện tượng di cư tự do có gia tăng. Đảng và Nhà nước không khuyến khích di cư tự do, vì hậu quả của nó và những vấn đề đằng sau phải giải quyết. Tuy nhiên, với những bộ phận dân cư đã di cư thì cần tập trung giải quyết. Chính sách của Trung ương cho việc bố trí, sắp xếp dân cư theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ để ổn định, định canh định cư đã có. Hiện các địa phương đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đối với người dân di cư tự do, nhất là bộ phận đi không báo cáo đăng ký tạm trú, tạm vắng, Chính phủ giao trách nhiệm cho các địa phương có đồng bào di cư đến cần phải có quy hoạch để họ có đủ đất làm nhà ở và cho đăng ký hộ khẩu. Các tỉnh đã tích cực thực hiện và đã bố trí được một số, tuy nhiên, một số tỉnh còn giải quyết nửa vời, xuất hiện tư tưởng phân biệt đối xử giữa dân tại chỗ và dân mới đến.


Bộ trưởng khẳng định, phản ánh của người dân nhường đất để xây dựng thủy điện Bản Vẽ ở Nghệ An là nơi tái định cư không bằng nơi ở cũ là đúng. Hiện đồng bào đang quay trở lại nơi ở cũ, vì nơi ở mới không đảm bảo cuộc sống cho người dân. Trách nhiệm này thuộc về Nhà nước, cần phải rà soát lại. Đối với những vùng di dân lên, người dân vẫn được hưởng trợ cấp của Chính phủ trong thời gian nhất định, còn những chính sách để ổn định lâu dài thì chưa có. Chúng ta cần nghiên cứu, bổ sung. Thứ nhất là cấp đủ đất, thứ hai là bố trí thêm đất, hoặc là quy hoạch lại vùng đất khác đảm bảo tiêu chí đất tốt để sản xuất. Có thể nghiên cứu đề xuất những chính sách để họ là cổ đông của các công trình thủy điện. Từ đó họ có thu nhập từ lợi ích của công trình thủy điện bởi họ chính là những người đóng góp tài sản, đặc biệt là đất đai cho công trình thủy điện.

 

Giải pháp cho những vùng khó khăn


Một số cán bộ và người dân ở Đồng Văn (Hà Giang) có phản ánh với Bộ trưởng rằng, nơi họ ở rất khó khăn, đất cằn cỗi, muốn trồng ngô thì phải đội đất từ thấp lên cao để tra ngô vào khe đá, nhưng mỗi khe chỉ trồng được một cây, và mỗi cây may ra chỉ ra một bắp, nước thì đào gần 200 m mới có, họ băn khoăn không biết Chính phủ có chính sách gì để có thể hỗ trợ cho người dân, trong khi những chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã cơ bản kết thúc vào năm 2010.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử khẳng định, ông rất cảm thông với đồng bào đang sinh sống ở những vùng khó khăn như vậy. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, không chỉ riêng Hà Giang mà có nhiều vùng của các tỉnh khác nữa như các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc của Cao Bằng, cũng đang gặp khó khăn không kém. Trong khi chính sách đầu tư, hỗ trợ chỉ dừng lại ở mức thấp nên chưa làm thay đổi được cuộc sống của đồng bào. Bộ trưởng khẳng định, đây là vùng đất không khuyến khích đồng bào trồng cây lương thực. Theo quan điểm của Bộ trưởng, những vùng đất núi đá như của Hà Giang, hay Cao Bằng… Nhà nước nên cấp gạo để đồng bào chỉ trồng những cây thích nghi với vùng núi đá khô cằn như cây thuốc quý và nhiệm vụ của đồng bào là trồng rừng biên giới, và có trách nhiệm là bảo vệ cột mốc và đường biên cho Tổ quốc. Bộ trưởng cho rằng, ngay từ bây giờ phải có chính sách cho đồng bào để giúp họ khỏi phải đói, được học hành tử tế. Bộ trưởng lấy ví dụ: Con em đồng bào vùng biên làm nghĩa vụ quân sự hướng vào biên phòng, khi họ học xong có thể trở lại quê hương. Họ là những người dân ở đó, gia đình, bố mẹ họ ở đó và trưởng thành; họ quản lý biên giới cùng với các đồn biên phòng.


Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định để giải quyết nước sinh hoạt cho đồng bào. Là cơ quan chủ trì, Ủy ban Dân tộc sẽ xây dựng một số chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới và vùng An toàn khu. Đây là những chủ trương mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã định hướng. Thời gian tới Ủy ban Dân tộc sẽ trình Chính phủ, nếu các quyết định được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý và sẽ có nguồn lực để bổ sung và có cơ hội để giúp đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN