Cần quyết tâm triển khai quy trình khám bệnh mới

Để rút ngắn thời gian khám bệnh gần cả ngày trời như bấy lâu xuống còn 2 - 3 giờ, từ ngày 22/4, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải chủ động cải tạo khu vực khám bệnh, bố trí thêm nhân lực, bàn khám, không được “ép” bệnh nhân đóng viện phí nhiều lần... Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng thực hiện được triệt để quy trình khám bệnh mới này.


Nơi nhặt


Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, từ năm 2010 - 2011, BV Bạch Mai đã triển khai rất nhiều giải pháp tương tự như hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh (KCB) mới đây của Bộ Y tế.


 

Bệnh nhân tham gia BHYT được chỉ định chụp kỹ thuật PET/CT trong chẩn đoán điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

 

“Khi bệnh nhân vào viện, BV chỉ thu thẻ BHYT của người bệnh. Sau khi họ hoàn thành quá trình KCB thì mới quay lại thanh toán viện phí và lấy lại thẻ bảo hiểm y tế. Chỉ với bệnh nhân trái tuyến mà số tiền viện phí cao thì mới phải nộp 2 lần. Nhờ vậy, thời gian mà người bệnh phải chờ đợi KCB đã giảm từ 5 - 6 giờ, xuống còn hơn 3 giờ”, ông Nguyễn Ngọc Hiền cho hay.


Tại BV E (Hà Nội), thời gian khám, chữa bệnh đã giảm rõ rệt sau khi BV cải tạo lại khoa Khám bệnh và quyết tâm thực hiện quy trình KCB mới. Khu vực bệnh nhân chờ khám bệnh được cải tạo sạch đẹp, có ghế ngồi, quạt, và ti vi. Bảng thông báo về quy trình KCB, xét nghiệm, những điều bệnh nhân cần lưu ý... đều được treo ở những vị trí dễ nhìn. BV tổ chức 2 bàn hướng dẫn bệnh nhân, 6 cửa tiếp đón bệnh nhân, 10 phòng khám nội. Đặc biệt, BV còn bố trí 2 cửa tiếp đón riêng dành cho bệnh nhân là phụ nữ mang thai, sắp sinh và người già trên 65 tuổi.


“Trước đây, bệnh nhân phải chờ đợi hơn 3 tiếng mới được khám, thì nay với các bệnh nhân không làm xét nghiệm chỉ mất từ 30 - 40 phút; còn bệnh nhân làm xét nghiệm mất khoảng 3 giờ”, BS Chuyên khoa II Ngô Thị Thiên Hương, Trưởng khoa Khám bệnh - BV E, cho hay.


Thực tế cho thấy, việc thực hiện “Hướng dẫn quy trình KCB mới” góp phần đáng kể vào việc giảm tải BV và giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Tuy nhiên, đáng tiếc là BV Bạch Mai và BV E chỉ là số ít BV đã thực hiện tương đối tốt quy trình này.


Nơi khoan


Tại BV K, dù đã có thêm cơ sở II ở Tân Triều, cơ sở III ở Tứ Hiệp, song tình trạng quá tải vẫn diễn ra trầm trọng tại cơ sở I ở Quán Sứ, với khoảng 1.500 - 2.000 bệnh nhân/ngày. Trong khi đó, BV chỉ có 1 - 2 bàn hướng dẫn, dẫn đến cảnh bệnh nhân phải đi lòng vòng. Bảng công khai giá dịch vụ y tế được dán nhưng ở vị trí khuất, chữ in nhỏ. Ngoài ra, do BV chưa triển khai được phát số tự động, nên bệnh nhân vẫn phải xếp hàng dài để làm thủ tục.


“Bộ Y tế sẽ không phê duyệt các thiết kế xây dựng mới cũng như nâng cấp BV nếu như thiết kế đó không chú trọng đến việc xây dựng khoa Khám bệnh phù hợp”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Tại BV Nội tiết Trung ương (Hà Nội), do cơ sở II của BV mới đi vào hoạt động nên sơ đồ, biển báo và việc bố trí các khoa còn chưa cố định. Mặt khác, hệ thống thông tin giữa cơ sở I và cơ sở II chưa kết nối được với nhau, khiến việc cải thiện khoa Khám bệnh cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, bệnh nhân BHYT và bệnh nhân khám tự nguyện vẫn phải đóng viện phí nhiều lần để BV khỏi rơi vào tình trạng thất thu.


Kết quả kiểm tra của BHXH Việt Nam mới đây tại 7 tỉnh, thành phố (Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Kon Tum) cũng cho thấy, chỉ có một số BV đã bổ sung cơ sở vật chất, cải thiện chỗ ngồi chờ của người bệnh ở khu vực phòng khám bệnh. Tình trạng quá tải bệnh nhân tại khu khám bệnh vẫn phổ biến do thiếu bác sỹ tại khoa khám bệnh (trung bình mỗi bác sĩ tại khoa khám bệnh phải tiếp nhận tới 70 - 80 bệnh nhân/ngày, thậm chí có khi còn tới 150 bệnh nhân/ngày).


Vậy tới năm 2015, ngành y tế có thể đạt được mục tiêu rút ngắn quy trình KCB xuống còn từ 2 - 4 giờ, trong đó khám lâm sàng đơn thuần chỉ mất 2 giờ, khám lâm sàng có làm thêm chiếu chụp, xét nghiệm... là 3 - 4 giờ? Về vấn đề này, ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, khẳng định: “Nếu lãnh đạo các BV quyết tâm thực hiện thì sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, các BV phải có kế hoạch, sắp xếp cách làm việc và công tác khám, chữa bệnh hợp lý, từng bước cải tiến sẽ giảm được thời gian chờ và đem lại sự hài lòng cho người bệnh”.


Về việc nhiều cơ sở y tế vẫn bắt bệnh nhân đóng tiền nhiều lần do sợ mất tiền viện phí, ThS Nguyễn Trọng Khoa cho rằng: “Số lượng bệnh nhân bỏ thẻ BHYT rất ít. Các BV phải đặt ích lợi bệnh nhân lên đầu. Nếu thực hiện tốt những giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thì BV sẽ lợi nhiều hơn là bị thiệt”.


Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai “bật mí”: “Sau một thời gian thực hiện các cải cách thủ tục hành chính, mỗi tháng BV Bạch Mai bị thất thoát khoảng vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, BV lại giảm được 10 nhân lực ở bộ phận hành chính, tiết kiệm được khoảng 100 triệu/tháng và đặc biệt đã giảm được thời gian KCB, đảm bảo sự hài lòng của người bệnh”.

Phương Liên - Lê Hảo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN