Cần sớm ổn định cuộc sống người dân vùng sạt lở

Mặt bằng nơi ở mới trên đỉnh núi cao gần 1.600 m, đường lên dốc đứng quanh co, khí hậu khắc nghiệt, khó khăn về nước sinh hoạt... đang là nguyên nhân khiến hàng chục hộ đồng bào dân tộc Mông ở khu tái định cư xã biên giới Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, bỏ về nơi ở cũ, bất chấp những nguy cơ sạt lở cao khi mùa mưa cận kề.

Gia đình anh Vàng A Khuy là một trong những hộ đã bỏ về nơi ở cũ tại bản Căng Ký, xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ. Ngôi nhà ọp ẹp, mái tôn kê gạch đá và phải chằng néo thêm gỗ trên nóc là mái ấm mà anh Khuy cùng gia đình đang sinh sống. Anh Khuy cho biết: Ở trên khu tái định cư sinh sống khó khăn quá, lại thiếu nước, nên gia đình anh không trồng rau, chăn nuôi được, đi làm ruộng nương cũng phải đi xa, mất thời gian. Thấy nhiều hộ chuyển về bản cũ, gia đình anh cũng về lại chỗ cũ.

Nơi ở mới không thuận tiện cho người dần sinh hoạt, sản xuất.


Khó khăn về nguồn nước cũng ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sinh hoạt của gần 160 học sinh bán trú ở trường Tiểu học Tung Qua Lìn. Để khắc phục, thầy cô và học sinh đã thay nhau tìm đến các nguồn nước nhỏ để xách từng can, từng xô nước về. Cô giáo Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, với những học sinh đi theo phụ huynh về nơi ở cũ, nhà trường phải dựng tạm lớp học hoặc tận dụng nhà bỏ hoang ở bản cũ để làm phòng dạy học cho các em.

Nhiều hộ dân ở xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, Lai Châu trở về nơi ở cũ, khu vực này đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.


Còn theo ông Vàng A Quẩy, Chủ tịch UBND xã Tung Qua Lìn, từ năm 2009 đến nay, nhiều hộ dân vẫn bám trụ ở lại nơi dễ bị sạt lở. Nhiều hộ từ điểm tái định cư lại trở về bản cũ sinh sống. Do trình độ nhận thức còn hạn chế nên dù đã tuyên truyền nhưng để thay đổi suy nghĩ của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm không thể một sớm, một chiều. Thời gian qua, xã cũng đã có nhiều ý kiến, đề xuất đối với huyện, tỉnh về việc tu sửa đường nước cũng như sửa chữa các hạng mục công trình khác trên khu tái định cư nhưng chưa được thực hiện.

Điểm sụt lún trên đầu bản đe dọa người dân Nà Phạ.


Trước khó khăn này đồng bào sẽ trở về bản cũ - nơi có nguy cơ sạt lở đất đá cao để sinh sống sẽ tăng lên. Chính quyền, đoàn thể ở xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về những hiểm họa sạt lở đang rình rập; có những biện pháp tích cực hơn để hạn chế và giảm thiểu tình trạng người dân bỏ về bản cũ; đồng thời sớm sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, khắc phục phần nào những khó khăn cho bà con tại nơi ở mới. Có như vậy, mới đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, ổn định sản xuất và đời sống cho bà con tại nơi ở mới, tránh gây lãng phí trong đầu tư các hạng mục tái định cư.

Bài và ảnh: Quang Duy
Ổn định cuộc sống đồng bào sau mưa đá và gió lốc
Ổn định cuộc sống đồng bào sau mưa đá và gió lốc

Liên tiếp trong những ngày qua, tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa đá kèm theo gió lốc gây thiệt hại nặng nề về người và nhà cửa, hoa màu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN