TS Lương Ngọc Khuê (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức về các giải pháp để sớm “cải thiện” mạng lưới y tế vùng biển, đảo.
Ngành y tế đã và đang làm gì để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho lao động và cư dân biển, đảo, thưa ông?
Từ năm 1991 đến nay, mô hình kết hợp quân dân y trên các biển đảo do ngành Quân y đề xuất đã được triển khai ở hầu khắp các tuyến đảo trên lãnh hải Việt Nam. Đặc biệt ở tuyến đảo Đông Bắc, mô hình lồng ghép trạm xá Quân y và Dân y thành bệnh xá Quân - Dân y đảo đã đi vào nề nếp nên phát huy được nội lực của y tế Dân y và Quân y trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bộ đội trên đảo và vùng biển phụ cận.
Bên cạnh đó, trong điều kiện nguồn lực cho phép, ngành y tế cũng rất chú trọng, chủ động triển khai các dự án nhằm nâng cao chất lượng dân số vùng biển, đảo, trong đó có cả công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, do rất nhiều lý do nên mạng lưới y tế biển, đảo còn rất rời rạc, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Bởi vậy, cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho y tế biển, đảo. Theo tôi, đây là hoạt động rất cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng đang sinh sống tại các vùng biển, đảo.
Thời gian tới, việc cải thiện mạng lưới y tế biển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người lao động và cư dân biển đảo sẽ triển khai theo hướng nào, thưa ông?
Bộ Y tế vẫn tận dụng mọi nguồn lực có thể để tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và người dân làm việc sinh sống trên vùng biển, đảo nói riêng. Đặc biệt, để đáp ứng mọi nhu cầu chăm sóc y tế cho các lao động, nhân dân sống, làm việc trên mọi vùng biển, đảo Việt Nam, Bộ Y tế đã đề xuất, kiến nghị với Nhà nước xem xét, phê duyệt Dự án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế biển, đảo quốc gia”, giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Nếu dự án trên được phê duyệt, trong giai đoạn từ 2011-2015, dự kiến sẽ triển khai ngay chương trình điều tra hiện trạng mạng lưới y tế biển, đảo trong phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở kết quả điều tra đó thiết lập "Mạng lưới y tế biển đảo quốc gia đáp ứng yêu cầu cấp cứu, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và bộ đội sống, làm việc trên các vùng biển - đảo Việt Nam". Điều tra khảo sát tình hình môi trường, sức khỏe, cơ cấu bệnh tật của nhân dân, bộ đội sống, làm việc trên đảo và các ngành kinh tế biển. Xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn về Tủ thuốc và Trang thiết bị cho các loại tàu biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của các ngành kinh tế biển và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và bộ đội trên biển, đảo. Ban hành Chương trình và Qui chế đào tạo môn Y học biển cho thuyền viên, sĩ quan hàng hải, các lao động khác trên biển.
Đào tạo cán bộ y tế chuyên khoa về y học biển, đảo. Xây dựng hệ thống cấp cứu giữa biển - đảo - trung tâm trên đất liền bao gồm các trung tâm địa phương và trung tâm khu vực. Trong đó, trung tâm khu vực có thể lồng ghép với trung tâm tìm kiếm - cứu nạn khu vực, đáp ứng với nhu cầu cứu vớt, cấp cứu người bị thương, bị nạn khi có thiên tai, thảm họa trên biển - đảo.
Nghiên cứu đề xuất chính sách về y tế biển, đảo và các cơ chế pháp lý liên quan đến sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc triển khai hoạt động y tế biển, đảo. Nghiên cứu áp dụng các công nghệ thông tin y học hiện đại để phục vụ cho hoạt động y tế biển, đảo và cấp cứu trên biển, đảo, chú trọng chương trình Tele - Medecine truyền số liệu và hình ảnh chẩn đoán bệnh qua các phương tiện truyền tin từ xa như Telephone, Telex, Fax, truyền dữ liệu bằng kỹ thuật số..., đảm bảo cho những người sinh sống và lao động trên biển - đảo được hưởng các điều kiện chăm sóc về y tế tương tự như ở đất liền...
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên thực hiện