Trên thị trường hiện nay, 1kg cây thất diệp nhất chi hoa khô (cây bảy lá một hoa) có giá từ 3-6 triệu đồng. Có thể nói, giá này còn đắt hơn cả nhân sâm Hàn Quốc hay các loại linh chi nhưng tác dụng của loại cây này đến đâu thì còn rất mơ hồ. Điều đáng lo lắng hơn là hiện có rất nhiều người bỏ hàng chục triệu đồng để mua loại cây này. Nhưng do thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên không ít người đã bỏ tiền thật mua phải của giả. Loài thảo dược bảy lá một hoa (hay còn gọi là thất diệp nhất chi hoa, độc cước liên, chi hoa đầu, thất tử liên, đăng đài thất...) là loại cây cỏ nhỏ, có hình dạng rất đặc biệt, sống lâu năm, thân rễ ngắn (dài khoảng 5 - 15cm), nhiều đốt. Loại cây này được đồn đại có nhiều tác dụng hữu hiệu với những người mắc bệnh nan y, không để lại tác dụng phụ, phù hợp với tình trạng bệnh tật ở nhiều độ tuổi khác nhau, tác dụng giảm đau, kháng viêm, cô lập tế bào ung thư, bài thải các mô chết, giúp ngăn ngừa quá trình lây lan, làm chậm quá trình ung thư hoại tử…
Điều đáng nói là nhiều người còn chưa biết loài cây này "mặt mũi" thế nào, nói gì đến công dụng và liều dùng. Thế nhưng, mới chỉ nghe "đồn" về công dụng của loại cây này mà bao người sẵn sàng bỏ cả chục triệu đồng để mua, không cần phân biệt cây thật, cây giả.
Loài cây thất diệp nhất chi hoa. |
Trước đây, loài cây này chỉ phân bố ở các vùng núi cao như Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… nhưng do khai thác bừa bãi nên bây giờ rất hiếm. Thời gian gần đây, giá loại cây này tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến. Cách đây khoảng 1 năm, giá loại cây này trên thị trường tỉnh Cao Bằng chỉ khoảng 1-2 triệu đồng/1kg nhưng hiện nay khoảng 3 triệu đồng/1kg. Nhiều thương lái và người bệnh tìm lên Cao Bằng và Hà Giang để thu mua.
Do không biết phân biệt cây thật, cây giả nên nhiều người đã mua phải hàng giả, hoặc hàng bị trộn với những loại cây khác mà không biết. Mới đây, anh Hoàng Văn Thắng, ở Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) có gọi điện than phiền: Hai tháng trước anh lên Nguyên Bình (Cao Bằng) giao hàng. Khi đi trên quốc lộ 34 anh thấy nhóm người túm đông, liền dừng xe vào xem thì thấy mấy thanh niên dân tộc Dao đang bán một loại cây gọi là bảy lá một hoa cho khách du lịch. Anh chợt nhớ đến một anh bạn cùng quê đang bị ung thư phổi có nhờ anh nếu gặp cây này thì mua giùm. Hỏi bao nhiêu tiền một cân thì mấy người khách du lịch bảo đang mua với giá 2,5 triệu đồng/1kg. Anh không ngần ngại mua luôn 2kg. Tuy nhiên, khi về đến Hà Nội, người bạn của anh Thắng sắc uống thì thấy mồm miệng rộp cả lên. Người nhà vội vàng mang cây đã mua đi hỏi một số bác sỹ đông y thì đều được xác nhận là củ ráy rừng.
Anh Nông Đình Minh, một người chuyên đi rừng kiếm cây thuốc ở Nguyên Bình, cho biết: Ngay cả người dân bản địa cũng rất nhiều người không biết về loại cây này. Loại cây này từ xa xưa đã hiếm chứ không phải bây giờ, vì nó chỉ mọc ở vùng núi cao và dưới tán rừng nguyên sinh. Ngày nay, khi giá thất diệp nhất chi hoa tăng cao nên nhiều người hám lợi đã dùng những cây có hình dáng tương tự để làm giả. Nhất là với những sản phẩm phơi khô người ta hay thái lẫn các loại cây rừng khác để trộn vào nhằm mục đích kiếm lời.
Anh Minh còn khuyến cáo, nên mua những cây còn tươi còn đủ cả lá. Vì lá của loại cây này không giống bất kỳ loài thảo dược nào khác. Nó đặc biệt như đúng cái tên của nó (bảy lá, một hoa). Còn đối với những sản phẩm đã được phơi khô, nên mua của những người có uy tín và có chuyên môn về nghề thuốc để tránh mua phải của giả.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng cũng khuyến cáo: Bất cứ một loài thảo dược nào cũng cần được dùng theo chỉ định của bác sỹ, cần tuân thủ về cách dùng và liều lượng dùng. Đặc biệt với những cây thuốc hiếm như thất diệp nhất chi hoa thì khi mua cần phải có kiến thức về loại cây này, nếu không rất dễ mua phải hàng giả, “tiền mất mà tật mang”.
Trường hợp của anh Hoàng Văn Thắng chỉ là một trong rất nhiều người bị mua phải thất diệp nhất chi hoa giả. Trong đó, không ít người bản địa ở Cao Bằng cũng đã bị lừa. Không chỉ có cây thất diệp nhất chi hoa mới bị làm giả, hiện nay các cây có giá trị cao như tầm gửi gạo, tim pất đen và cả hà thủ ô… cũng bị làm giả. Chính vì vậy những người có nhu cầu mua những loại thảo dược này cần phải trang bị cho mình kiến thức nhất định để phân biệt thật giả. Không nên mua những loại thảo dược không rõ nguồn gốc.
Mạnh Hà