Nếu việc kiểm soát đường máu ở trẻ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) không tốt sẽ dẫn đến các biến chứng như: Đục thủy tinh thể, tổn thương thận, cao huyết áp, phát triển chậm về thể chất, thậm chí tử vong.
90% bệnh nhi là đái tháo đường typ 1
Ở thời điểm kiểm tra, đường huyết của bé Hà Thị Thanh Trúc rất cao, lên tới 21,3 mmol/.Vì vậy, bác sĩ phải cho bé Trúc (2 tháng tuổi, ở Bắc Giang) truyền insulin để đưa chỉ số đường huyết về mức an toàn.
Chăm sóc trẻ sơ sinh (có mẹ bị mắc bệnh đái tháo đường) tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. | |
Vừa bồng con trên tay, chị Lương, mẹ của bé Trúc vừa ngân ngấn nước mắt nói: “Mấy hôm trước, cháu bỗng nhiên bị co giật nên gia đình vội vàng đưa đi cấp cứu. Do kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết cao nên cháu được chuyển viện từ BV tỉnh Bắc Giang về BV Nhi TƯ. Tại đây, gia đình tôi rất sốc khi được bác sĩ chính thức thông báo cháu bị tiểu đường typ 1. Mắc căn bệnh này tức là cháu sẽ phải điều trị thuốc suốt đời, hằng ngày cháu đều phải tiêm insulin, mà con gái tôi thì còn nhỏ quá…”.
Khi được các bác sỹ thông báo là cậu con trai mới 7 tuổi, bé Nguyễn Đỗ Thành Công, mắc bệnh tiểu đường, anh Nguyễn Văn Khai, ở Phú Thọ cũng rất bất ngờ. Anh Khai chia sẻ: “Tuy bệnh đái tháo đường không phải nan y nhưng là một bệnh chưa có thuốc đặc trị. Cháu Công còn quá nhỏ nên chưa ý thức được bệnh tật, chắc chắn rồi đây cháu sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt, thậm chí trong tương lai có thể cháu còn phải chịu biến chứng của bệnh”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoàn, nguyên Trưởng khoa Nội tiết, Chuyển hóa, Di truyền, Bệnh viện Nhi TƯ, trước đây mỗi năm BV chỉ tiếp nhận khoảng 10 - 12 ca bệnh nhi bị đái tháo đường, nhưng gần đây tăng lên từ 15 - 20 ca/năm. Trong số gần 300 bệnh nhi đang được quản lý, điều trị tại khoa Nội tiết - Di truyền - Chuyển hóa, hơn 90% mắc tiểu đường typ 1, số còn lại là typ 2 hoặc một số thể khác.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường typ 1 ở trẻ em thường do di truyền hoặc do tuyến tụy bị viêm làm giảm khả năng sản xuất insulin, gây tăng đường huyết mạn tính. Insulin là hoóc-môn cho phép cơ thể sử dụng đường làm năng lượng. Do đó, bệnh nhi mắc bệnh tiểu đường typ 1 cần điều trị bằng insulin. Trẻ em cũng có thể mắc đái tháo đường typ 2 nhưng thường gắn liền với tình trạng thừa cân. Những bệnh nhi này có khả năng sản xuất insulin nhưng lượng insulin hoạt động không hiệu quả. Chế độ ăn và tập luyện có thể cải thiện đường huyết cho bệnh nhi mắc đái tháo đường typ 2.
“Thời gian gần đây, tuy không có những ca biến chứng nặng dẫn đến tử vong như trước nhưng chúng tôi lại hay gặp những ca bị biến chứng mắt, thận, suy thận do nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh muộn, có biến chứng rồi mới biết bệnh và tới bệnh viện để điều trị”, PGS Hoàn cho hay.
Phòng ngừa biến chứng
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để phòng tránh những biến chứng do bệnh đái tháo đường typ 1, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra ngay khi có các triệu chứng: Đi tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều và gầy sút cân trong vài tuần hoặc vài tháng. Ngoài ra, bệnh nhi cũng có thể có các triệu chứng khác như: Đái dầm dai dẳng, đau bụng, nôn, nhiễm trùng sinh dục và da tái diễn, mệt mỏi, giảm tập trung khi học.
Trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, các bậc phụ huynh cần kiên trì đồng hành cùng con trẻ. Ngoài việc tiêm insulin cho trẻ mỗi ngày, các bậc phụ huynh còn phải chú ý chế độ ăn cho con trước khi tiêm insulin, tiệt khuẩn và luân chuyển vị trí các mũi tiêm để tránh tình trạng nhiễm trùng hoặc làm teo cơ của trẻ. Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra đường huyết cho con, ghi nhớ các dấu hiệu tăng đường huyết (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều đặc biệt về ban đêm) hoặc hạ đường huyết ở trẻ (da tái, hay đói, vã mồ hôi, không tập trung) để có biện pháp phòng ngừa biến chứng hoặc đưa trẻ tới BV kịp thời.
“Với việc phải tiêm từ 2 - 4 mũi insulin cho trẻ mỗi ngày, nhiều gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn vì phải lo một khoản kinh phí không nhỏ cho việc đi từ nhà lên BV huyện hoặc tỉnh để lấy thuốc theo chế độ BHYT. Vậy nên, một số bậc phụ huynh đã tự ý giảm liều insulin khiến con trẻ dần dần bị biến chứng thận, mắt…”, một BS điều trị tại BV Nhi khuyến cáo.
Với trẻ mắc tiểu đường typ 1, tuy phải kiểm soát chỉ số đường huyết ổn định nhưng cha mẹ nên đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, không nên bắt trẻ kiêng khem quá mức vì cơ thể trẻ đang phát triển, cần ăn đủ chất để đảm bảo phát triển, tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì và vị thành niên. Trẻ mắc đái tháo đường typ 1 vẫn có thể phát triển bình thường nếu được tiêm đủ insulin và chế độ ăn uống thích hợp.
Phương Liên