Cẩn trọng với chủng virút cúm A/H3N2 mới xuất hiện

Thông tin “Việt Nam vừa phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virút cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn” khiến nhiều người dân lo ngại về khả năng lây lan dịch bệnh này trong thời gian tới. PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1... Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Xin ông cho biết thông tin chính xác về việc chủng virút cúm A/H3N2 vừa phân lập được ở bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam đã biến đổi và dịch bệnh có thể sẽ lây lan mạnh hơn trong thời gian tới?



Từ tháng 8 đến tháng 12/2011, Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ ghi nhận 12 trường hợp nhiễm virút cúm mới là virút S-OtrH3N2, có nguồn gốc từ virút cúm A/H3N2 ở lợn. Theo thống kê, 6/12 ca bệnh không có tiền sử tiếp xúc với lợn trước đó. Chỉ có 3/12 trường hợp phải nhập viện để điều trị nhưng đều đã khỏi bệnh.

Gần đây virút mới này được Tổ chức Y tế thế giới gọi là vi rút A/H3N2v, để phân biệt với A/H3N2 ở lợn và virút A/H3N2, cúm mùa thông thường ở người.

Ở Việt Nam, virút cúm mới A/H3N2v được phát hiện trong chương trình giám sát cúm trọng điểm quốc gia ở một bệnh nhân 2 tuổi mắc hội chứng cúm mùa nhẹ và sau đó khỏi bệnh ở một tỉnh phía Nam, trong một gia đình có nuôi nhiều gà, vịt, ngỗng, lợn. Từ tháng 4/2011 đến nay, Việt Nam không phát hiện thêm trường hợp mắc mới chủng virút cúm A/H3N2v nào nữa.

Chủng A/H3N2v phân lập được trên người này có hai khác biệt với chủng A/H3N2v phát hiện trên người năm 2011 tại Hoa Kỳ. Hai gen HA và NA của Việt Nam giống với chủng cúm H3N2 phát hiện trên lợn lưu hành tại vùng Á –Âu, trong khi đó hai gen HA và NA của chủng A/H3N2v phát hiện trên người tại Hoa Kỳ năm 2011 thì giống với chủng cúm H3N2 phát hiện trên lợn của Bắc Mỹ.

Như vậy, cho đến nay thế giới mới chỉ ghi nhận được 13 trường hợp nhiễm cúm A/H3N2v (trong đó có 1 ca tại Việt Nam). Điều đó chứng tỏ không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người hay nguy cơ bùng phát thành dịch do virút cúm A/H3N2v.

Làm thế nào để phòng tránh căn bệnh này? Khi nào người bệnh cần tới cơ sở y tế để tránh biến chứng đáng tiếc?

Bệnh cúm do virút cúm gây ra, được chia thành 3 týp A, B, C, gồm 15 loại kháng nguyên H(H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Cách tổ hợp khác nhau của hai loại kháng nguyên này tạo nên các phân týp khác nhau của virút cúm A. Trong quá trình lưu hành của virút cúm A, 2 kháng nguyên này, nhất là kháng nguyên H, luôn luôn biến đổi. Triệu chứng của bệnh cúm thường gồm: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và thường ho nặng, kéo dài. Bệnh có thể kèm theo các triệu chúng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tử vong (tỷ lệ rất thấp).

Vì virút cúm A/H3N2v là chủng virút cúm mới nên vắcxin cúm mùa hiện nay không dự phòng hiệu quả được. (Năm tới, vắcxin phòng bệnh cúm sẽ bao gồm kháng nguyên của virút mới này).

Nhưng để hạn chế nguy cơ tái tổ hợp giữa các loại virút ở người và động vật, người chăn nuôi động vật và gia cầm vẫn cần tiêm vắcxin phòng cúm mùa. Sử dụng phương tiện phòng hộ trong chăn nuôi (đeo khẩu trang, găng tay, đi ủng...) và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Tương tự như ở người, lợn nhiễm virút cúm có thể không có biểu hiện bệnh. Vậy nên, những người có biểu hiện hội chứng cúm mà trong vòng một tuần trước đó có tiếp xúc với lợn thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Virút cúm mới A/H3N2v đã đề kháng với thuốc amantadine và rimantadine nhưng hiện nay thuốc oseltamivir và zanamivir vẫn trị bệnh được.

Lưu ý, những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ có biến chứng cao của bệnh cúm gồm: Trẻ em từ 6 - 23 tháng, những người từ 65 tuổi trở lên, những người bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hen suyễn, bệnh chuyển hóa (ví dụ bệnh tiểu đường), bệnh thận mãn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch, phụ nữ mang thai, những người tiếp xúc mật thiết với các bệnh nhân như cán bộ y tế, người cùng nhà với bệnh nhân... Những nhóm người này cần đặc biệt lưu ý khi có các biểu hiện của hội chứng cúm. Đặc biệt khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở, tím tái, ho có đờm đặc, ho ra máu, sốt cao trên ,5 độ C và kéo dài 3 ngày, phản ứng chậm, li bì… phải đến ngay cơ sở y tế để chăm sóc và điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng và có thể tử vong.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN