Căng thẳng Ai Cập chưa có lối thoát

Ngày 3/7, ngay sau khi thời hạn cuối cùng do quân đội Ai Cập đặt ra kết thúc, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã đề xuất thành lập một chính phủ đồng thuận nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc tại nước này.

 

Căng như dây đàn

Trong một thông báo đăng trên mạng xã hội Facebook, Văn phòng Tổng thống Ai Cập thông báo: “Tổng thống hình dung đến việc thành lập một chính phủ liên minh đồng thuận để giám sát cuộc bầu cử quốc hội sắp tới”. Tuy nhiên, ông Morsi khẳng định sẽ tiếp tục nắm giữ chiếc ghế tổng thống đã được “bầu ra một cách hợp pháp”. Trong một diễn biến liên quan, hãng tin AFP cho biết các lực lượng an ninh Ai Cập đã ra lệnh cấm xuất cảnh đối với Tổng thống Morsi và một vài quan chức Hồi giáo cấp cao, do liên quan đến một vụ tù nhân trốn trại năm 2011. Cố vấn của ông Morsi gọi đây là một “cuộc đảo chính”.


 

Một người bị thương trong cuộc va chạm giữa hai nhóm biểu tình ủng hộ và phản đối Tổng thống Morsi ngày 3/7. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trước đó, tình hình Ai Cập căng như dây đàn sau khi ông Morsi xuất hiện trên truyền hình bác bỏ tối hậu thư của quân đội, trong khi thủ đô Cairô tiếp tục bị nhấn chìm trong biển người biểu tình. Xung đột giữa những người ủng hộ và phản đối Tổng thống Morsi có nguy cơ đẩy đất nước của những Kim Tự Tháp vào cuộc khủng hoảng không lối thoát. Các quan chức Bộ Y tế Ai Cập ngày 3/7 cho biết các tay súng không rõ danh tính đã giết hại 16 người và làm 200 người bị thương khi họ xả súng vào những người tuần hành ủng hộ tổng thống ở thủ đô Cairô.


Trong “tối hậu thư” do quân đội đưa ra, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi, đã yêu cầu Tổng thống phải chia sẻ quyền lực với các phe nhóm đối lập nếu không sẽ đối mặt với giải pháp quân sự. Tuy nhiên, khoảng hai tiếng trước khi thời hạn cuối cùng hết hạn (16 giờ 30 chiều giờ địa phương, tức 21 giờ 30 tại VN ngày 3/7), Bộ Nội vụ Ai Cập vẫn cương quyết với lời cảnh báo đáp trả bất kỳ hành động bạo lực nào. Bộ này nói rằng cảnh sát sẽ "bảo vệ" người dân và hành động ngăn chặn các cuộc đổ máu sau khi bạo lực bùng phát ở Ai Cập đã khiến 47 người thiệt mạng kể từ ngày 26/6.


Vài giờ trước khi thời hạn kết thúc, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã bắt đầu cuộc họp với các lãnh đạo quân đội, trong đó có Tham mưu trưởng Sedki Sobhy và các tư lệnh các quân khu. Ngoài ra, Bộ trưởng al-Sisi cũng đã có cuộc gặp với lãnh đạo lực lượng đối lập theo đường lối tự do Mohamed ElBaradei, với tư cách đại diện cho liên minh Mặt trận Cứu quốc - lực lượng đối lập chính ở Ai Cập và các nhóm thanh niên dẫn đầu các cuộc biểu tình chống Tổng thống Morsi.


Trước tình hình trên, ngày 3/7, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi "kiềm chế" và đối thoại chính trị ở Ai Cập. Mỹ cũng đã hối thúc các nhà lãnh đạo Ai Cập tôn trọng ý kiến của người dân, trong khi Pháp cho rằng Tổng thống Morsi phải "lắng nghe" ý nguyện của quần chúng và ủng hộ giải pháp đối thoại. Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hối thúc các đảng phái Ai Cập nhanh chóng tìm ra các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực.

 

“Đi trên dây”


Về tình hình bất ổn ở Ai Cập, giới phân tích ở đã đưa ra một số nhận định, trong đó cho rằng khả năng quân đội sẽ tiếp quản chính quyền là rất thấp nhưng đất nước này sẽ còn bất ổn trong thời gian dài.


Bộ phận dự báo phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh) ngày 3/7 cho rằng Ai Cập sẽ tiếp tục chìm trong bạo loạn xã hội và khủng hoảng chính trị, bất luận ông Morsi từ chức hay vẫn nắm quyền. Theo nhận định của EIU, ông Morsi vẫn còn những lựa chọn khác nhau để cứu vãn tình hình và tiếp tục nắm quyền. Thứ nhất, ông có thể hướng sự chú ý của dư luận hiện nay vào tiến trình bầu cử một hạ viện mới. Việc này đã liên tục bị trì hoãn và có thể sẽ được thực hiện vào cuối năm nay. Thứ hai, ông Morsi có thể "câu giờ" bằng cách giải tán chính phủ, thay vào đó là một nội các lâm thời gồm những nhà kỹ trị điều hành đất nước cho đến khi có hạ viện. Kịch bản lý tưởng nhất là ông Morsi mời Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah al-Sisi làm Thủ tướng. Đây chính là "tấm bùa hộ mệnh", giúp ông Morsi có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía quân đội. Nếu thất bại hoặc không vận động được một nhân vật ôn hòa nào nắm chức Thủ tướng, thì ông Morsi có thể kiêm nhiệm.


Theo EIU, cho đến thời điểm này, mặc dù lấn lướt về số lượng, nhưng phe đối lập và người biểu tình chống chính phủ ở Ai Cập chưa thể khẳng định được rằng tương quan lực lượng đang nghiêng về phía họ. Như vậy, căng thẳng chính trị ở Ai Cập chưa thể tìm được lối thoát trong "một sớm, một chiều" và ông Morsi sẽ phải "đi trên dây" để cứu vãn tình hình nếu muốn tiếp tục giữ cương vị tổng thống.


L.H (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN