Lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phát động phong trào đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu KHCN. Một quỹ hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo dành riêng cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp đã được triển khai lên tới 2.000 tỷ đồng, có ý nghĩa kích thích sự phục hồi nền kinh tế và sự phát triển bền vững. Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đã trả lời trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN để làm rõ hơn về vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, các doanh nghiệp KHCN được ưu đãi của nhà nước thông qua thuế. Tuy nhiên, các chế độ ưu đãi về thuế chỉ áp dụng khi doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế, nếu doanh nghiệp thua lỗ thì không áp dụng được ưu đãi này. Khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì sẽ áp dụng ưu đãi cao nhất đối với doanh nghiệp khoa học, đó là miễn thuế hoàn toàn trong 4 năm, miễn 50% trong 9 năm tiếp theo và thuế suất chỉ có 10% so với thuế suất thông thường.
“Tôi không đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân, nhất là trong bối cảnh hiện nay, vì nhiều người có thể lợi dụng việc này. Doanh nghiệp thì thua lỗ, nhưng thu nhập của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có thể là rất cao. Nếu chúng ta miễn thuế thu nhập cá nhân khi doanh nghiệp thua lỗ thì có thể sẽ bị lợi dụng và không khuyến khích được doanh nghiệp tập trung vào sản xuất”, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao, công nghệ mới, những công nghệ có giá trị gia tăng cao, đều cần được hỗ trợ, không phân biệt là có nằm trong khu công nghệ cao hay không. Vì kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt là các nước “mới nổi”, thì các khu công nghệ cao đóng vai trò đầu tàu để lan tỏa những công nghệ mới, công nghệ cao và ở đó tập trung các viện nghiên cứu, các trường đại học, chứ không chỉ là các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, vừa qua, Ngân hàng thế giới đã tài trợ cho Việt Nam một dự án trị giá 100 triệu USD, nhằm thúc đẩy việc hình thành lĩnh vực công nghiệp sáng tạo. Chính phủ Phần Lan cũng đã tiếp tục tài trợ một dự án về đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, trị giá 10 triệu euro. Chính phủ Việt Nam cũng dành ngân sách đáng kể từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho việc hình thành các doanh nghiệp KHCN. “Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 592 về việc hỗ trợ các tổ chức KHCN của Việt Nam, tạo ra các doanh nghiệp khoa học từ những kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ. Hy vọng đến 2020 sẽ có một hệ thống khoảng 5.000 doanh nghiệp KHCN như Chiến lược phát triển KHCN mà Thủ tướng đã phê duyệt và khi đó cũng sẽ có thể tạo ra được từ 7 - 15% GDP từ những doanh nghiệp KHCN này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Theo Luật KHCN sửa đổi, các dự án đầu tư lớn về sản xuất kinh doanh, kể cả đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đều phải có ý kiến thẩm định của Bộ KHCN về trình độ công nghệ và tác động môi trường và chúng tôi hy vọng sắp tới việc kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ KHCN luôn hỗ trợ các bộ, ngành có các dự án nghiên cứu về môi trường. Ví dụ như đã hỗ trợ Trường Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu về Asen trong nước ngầm của khu vực Hà Nội; hỗ trợ Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong một dự án nghiên cứu chế phẩm sinh học để xử lý điôxin nhiễm trong đất. Chế phẩm sinh học này có ưu thế nổi trội so với tất cả những sản phẩm khác của nước ngoài và đang được thử nghiệm trên quy mô lớn, nếu thành công sẽ xử lý được một cách triệt để ô nhiễm điôxin ở Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, khi các sở KHCN phát hiện người dân có sản phẩm KHCN có khả năng ứng dụng thì phải đánh giá và hỗ trợ cho người nông dân hoàn thành sản phẩm của mình, giúp họ đăng ký tài sản trí tuệ. Nếu là sáng chế thì cấp bằng sáng chế, nếu là sáng kiến thì cũng được bảo hộ về quyền tác giả hoặc là kiểu dáng công nghiệp thì cũng được cấp bằng về kiểu dáng công nghiệp để họ yên tâm là sản phẩm của họ được bảo hộ và khi hoàn thiện sẽ được ứng dụng trong cuộc sống. |
Trọng Thủy