Lời giới thiệu cuốn “Dịch học và đông y” của Dương Lực, NXB Thuận Hóa viết “Có thể nói rằng tây y bắt đầu từ thực nghiệm, chú trọng phân tích. Còn đông y bắt đầu từ triết học chú trọng tới tổng hợp”.
Tô Vấn nhiệt luận lại nói: Ngày đầu tiên của thương hàn, kinh Thái dương cảm thụ hàn tà làm cổ, gáy, vai, lưng, đầu đau. Ngày thứ hai bệnh tà truyền đến Dương minh - kinh Dương minh chủ cơ nhục, kinh mạch qua môi, lạc tại mắt nên cơ nhục nóng, mũi khô, khó ngủ. Ngày thứ ba truyền đến Thiếu dương, Thiếu dương kinh chủ về xương. Kinh mạch nó đi hai bên hông sườn liên lạc ở tai nên đau lưng sườn, điếc tai. Nếu tam dương kinh (3 kinh dương) đã thụ bệnh nhưng chưa truyền vào lý (tạng phủ) có thể thông qua “hãn” để lành bệnh.
“Hãn” là mồ hôi. Lúc này ta nên đánh gió hoặc dùng nồi nước xông đuổi tà khí qua đường mồ hôi là bệnh khỏi. Nồi nước xông dùng chừng 30 gam lá thơm mỗi loại như: hương nhu, cúc tần, bưởi, lá lốt, ngải cứu, một chút gừng đập dập… đun sôi và phủ chăn để xông. Trước đó nên lấy ra một bát, sau khi xông thì uống nhằm bổ sung nhiệt lượng cho cơ thể vì dương khí bị hao tổn khi tà khí thoát ra theo mồ hôi.
Cũng có thể dùng dầu xoa “Thái dương” và đồng bạc đánh trước trán, hai bên thái dương, đánh xuôi từ hai bên sau gáy theo thăn lưng và hai cạnh xương sống tới dưới hông. Hoặc rượu tốt, đốt lên rồi bọc dăm lá trầu không vào vải đánh xuôi xương sống như trên.
Đã có trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi, sốt 41 độ sau khi uống hai viên cảm trẻ em và hai viên Ampicillin 15 phút thì cứng hàm, trợn mắt. Tại sao vậy? Nếu theo tây y thì sốt cho hạ sốt, viêm cho chống viêm là rất chuẩn. Nhưng theo cách tổng hợp tính qui nạp của đông y thì: Sốt cao bởi cơ thể huy động tổng lực để chống viêm (công sinh nhiệt). Viêm phổi vì nhiễm lạnh, uống thuốc hạ sốt làm trong và ngoài đều lạnh nên “hàn ngộ hàn tắc tử”.
Mùa đông đã đến, con em chúng ta và ngay cả người lớn rất dễ cảm phong hàn nên các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh.
Dược sĩ Chu Ngọc Tần