Cạnh tranh lãi suất huy động: Hành trình chưa thấy hồi kết

Hầu hết các ngân hàng thương mại đang niêm yết lãi suất tiết kiệm tiền đồng mức 14%/năm, nhưng thực tế lãi suất huy động của nhiều ngân hàng nhỏ đã “xé rào” quy định này từ lâu. Cuộc cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt hơn và xem ra chưa tới hồi kết.

Lãi suất “thỏa thuận”

Qua khảo sát của phóng viên báo Tin Tức tại địa bàn Hà Nội, hầu hết các ngân hàng thương mại đều niêm yết lãi suất huy động ở mức 14%/năm, nhưng thực tế, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất thực lên tới 16 - 17%/năm hoặc cao hơn.

Trao đổi với một khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng thương mại trên phố Bà Triệu, chị Thu Hà (phố Bạch Mai) cho biết: “Trong thời gian qua, nhiều người mách là gửi tiền vào ngân hàng đang rất có lợi, được hưởng lãi suất cao, nên tôi quyết định đem gửi 300 triệu đồng. Nhân viên của ngân hàng cho biết, sẽ được hưởng lãi suất huy động lên tới 17%/năm. Sau khi trao đổi, tôi được nâng lãi suất lên tới 17,5%/năm".

Giao dịch tại Ngân hàng Quốc tế (VIB). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


NHNN vừa tái khẳng định các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam tối đa là 14%/năm, bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức. Nhưng NHNN lại nâng lãi suất trên thị trường mở thêm 1% lên 15%/năm và cũng là lần điều chỉnh thứ hai liên tiếp trong vòng 2 tuần trở lại đây. Điều đó cho thấy, mong muốn hạ lãi suất có lẽ khó thành hiện thực trong thời gian tới.

Đây cũng là thực tế diễn ra ở nhiều ngân hàng thương mại trong suốt thời gian qua. Nhiều ngân hàng thậm chí còn đẩy lãi suất huy động lên tới 20% đồng thời cho các nhân viên ngân hàng gọi điện thoại kêu gọi khách hàng gửi tiền với lãi suất cao, để họ rút tiền từ các ngân hàng đang gửi tiền chuyển sang ngân hàng khác gửi tiền.

“Lãi suất tiết kiệm thực tế đang theo cơ chế “thỏa thuận”, tùy vào tính thanh khoản của các ngân hàng và số tiền gửi ít hay nhiều, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hay thấp. Trên thực tế, hiện lãi suất ở một số ngân hàng nhỏ đã lên mức trên 20%/năm, gửi càng nhiều tiền thì càng được hưởng lãi suất cao. Kỳ hạn được khách hàng ưa thích nhất của các ngân hàng là một tháng" - nhân viên một ngân hàng thương mại ở cuối phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cho biết.

Còn theo một nhân viên của Ngân hàng Techcombank ở 57 Láng Hạ (Hà Nội), vì lãi suất huy động cao nên lãi suất cho vay ra cũng rất cao. Ví dụ, lãi suất cho vay tiêu dùng lên tới 25,25%/năm đối với cho vay mua nhà, mua ô tô... Còn đối với cho vay doanh nghiệp, tùy vào uy tín của các doanh nghiệp nhưng lãi suất cũng không thấp hơn 20%/năm.

Ngân hàng “đói” vốn

Theo một lãnh đạo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong thời gian qua, có nhiều khách hàng tới các chi nhánh của BIDV mặc cả lãi suất gửi tiền. Sau khi không mặc cả được, họ được các nhân viên của ngân hàng khác đón sẵn ở sảnh của BIDV để mặc cả lãi suất gửi tiền.

Theo vị lãnh đạo này, xảy ra cuộc đua lãi suất là do một số ngân hàng thương mại sau khi huy động được tiền gửi, họ đã chuyển vốn cho các công ty con theo dạng ủy thác, những công ty này lại đem tiền gửi tại các ngân hàng khác đang thiếu thanh khoản, phải huy động với lãi suất cao, gây lũng đoạn trên thị trường tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải xử lý triệt để các ngân hàng này làm gương.

Giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang. Ảnh : Phạm Hậu - TTXVN


Còn theo giải thích của ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cốt lõi của "cuộc đua" lãi suất là do các ngân hàng nhỏ thiếu vốn. Vì các ngân hàng nhỏ muốn tăng trưởng nhanh thì phải cho vay các dự án lớn, những dự án này thường có kỳ hạn dài, tiền đã được giải ngân. Khi NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát thì các ngân hàng này rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, không thể huy động được tiền nên họ phải “xé rào”, tìm mọi cách huy động vốn từ dân cư hoặc chấp nhận vay liên ngân hàng với lãi suất cao.

“NHNN cũng không thể bơm vốn ra được vì đang thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát. Do vậy, các ngân hàng nhỏ phải tìm mọi cách huy động vốn từ các thị trường”, ông Toại cho biết thêm.

Qua phản ánh của một số ngân hàng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn tuần đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng kỳ hạn tháng và lãi suất huy động ngoài dân cư vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Doanh nghiệp khó khăn

Theo một số chuyên gia kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2008 lên tới 27% nhưng lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ 18%/năm. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ngày 24/4/2011, CPI 4 tháng qua tăng 9,64% so với tháng 12/2010 và tăng 13,95% so với bình quân 12 tháng năm 2010. Do vậy, không có lý gì lãi suất huy động lại tăng lên tới gần 20%.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, lãi suất cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp. Kèm theo đó là lương tăng, giá xăng tăng khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng lên đáng kể, làm cho giá thành sản phẩm tăng theo, tác động tới giá cả tiêu dùng.

“Lãi suất trên 20% thì khó doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả được. Thực tế, nhiều doanh nghiệp không chịu được phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng”, ông Kiêm cho biết.

Theo ông Kiêm, giải pháp cho vấn đề này là các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Nghị quyết 11 của Chính phủ. Quản lý chặt, không để các NHTM phá rào ồ ạt, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với thị trường. Đây là bài toán khó đối với ngành ngân hàng và nền kinh tế, nhưng cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đang trông chờ vào Nghị quyết 11 sẽ phát huy tác dụng trong thời gian tới. Hy vọng, tháng 7 - 8 tới, khi lạm phát dịu lại, lãi suất sẽ hạ xuống.

H.V


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN