Nguyên nhân là do tình hình thời tiết khô hanh kéo dài, nhất là vào thời gian cao điểm mùa khô, từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 5 năm sau, nắng nóng, người dân lại đốt nương làm rẫy, chủ quan không kiểm soát được nguồn lửa. Đặc biệt là sau đợt rét đậm rét hại vừa qua, băng tuyết phủ kín các khu rừng nguyên sinh nhiều thảm cỏ, cây lau sậy chết khô, thời tiết vẫn rét, nên người đi rừng đốt lửa để sưởi, săn bắt ong dẫn đến nguy cơ cháy lan vào rừng.
Quý I/2016, tỉnh Cao Bằng đã để xảy ra 5 vụ cháy rừng. |
Ông Đặng Hùng Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, cho biết: Với đặc thù tỉnh miền núi chủ yếu là diện tích đất rừng tự nhiên, trong những năm qua, công tác phát triển và bảo vệ rừng đã được quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng vẫn còn tương đối lỏng lẻo, hiện tượng cháy rừng tăng đột biến, khai thác rừng lấy lâm sản vẫn còn diễn biến phức tạp. Cao Bằng cũng là một trong những địa phương được báo động có nguy cơ cháy rừng ở cấp 4, rất nguy hiểm nếu như không có biện pháp phòng, chữa cháy rừng kịp thời.
Do vậy, ngay từ đầu mùa khô năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng như chuẩn bị sẵn sàng lực lượng chống cháy, hậu cần, phương tiện ngay tại chỗ để tham gia chữa cháy ngay sau khi phát hiện. Bố trí lực lượng kiểm lâm tuần tra canh phòng thường xuyên trong các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, tuyên truyền phổ biến cho nhân dân để nâng cao công tác chăm sóc bảo vệ rừng, cùng tham gia chữa cháy. Đồng thời thực hiện giao khoán đất rừng trực tiếp cho nhân dân khoanh nuôi quản lý, thực hiện các cam kết với các hộ, thôn bản, nếu gây ra vi phạm về tài nguyên rừng sẽ đưa ra kỷ luật, trường hợp nặng sẽ sử lý theo quy định của pháp luật.