Cao tốc dài nhất Việt Nam “chạy” nước rút về đích

Việc thi công công trình cao tốc dài nhất Việt Nam: Nội Bài - Lào Cai đang gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ. Tuy nhiên, do vai trò quan trọng của tuyến đường này nên chủ đầu tư đang tập trung mọi nguồn lực để công trình có thể hoàn thành trong năm 2013.

Dốc sức vượt khó khăn


Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và thành phố Hà Nội, có tổng chiều dài 245 km (giai đoạn I), với tổng mức đầu tư 1.249 triệu USD (do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ), gồm 8 gói thầu xây lắp từ A1 - A8. Đây là đường cao tốc có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.


Thi công công trình cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua Phú Thọ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Theo VEC, dự án có khối lượng xây lắp rất lớn, với khoảng 90 triệu m3 đất đào đắp, 119 cầu, 2 hầm, 500 cống chui dân sinh... cộng với việc giải phóng mặt bằng nhiều đoạn trên tuyến luôn gặp “ách tắc” vì chậm đền bù và không thỏa thuận được với các địa phương cơ sở, nên nguy cơ chậm tiến độ luôn hiển hiện.


Được khởi công từ ngày 24/4/2009, nhưng đến nay, nhiều gói thầu không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Đặc biệt, hai gói thầu A4, A5 của nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) đến đầu năm 2013 mới hoàn thành được vài phần trăm khối lượng công việc. Điều đáng nói là lần nào họp với Bộ GTVT, các nhà thầu cũng hứa sẽ đẩy mạnh thi công và hoàn thành đúng tiến độ, song sau đó, họ vẫn không đưa ra được giải pháp hữu hiệu nào để cải thiện tình hình.


Tuy nhiên, đây là công trình trọng điểm quốc gia, nằm trong kế hoạch thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2013 và thông xe kỹ thuật những đoạn đầu vào cuối tháng 8/2013, nên những ngày này trên công trường, các nhà thầu đang phải chạy đua với thời gian để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, trước các giải pháp đốc thúc quyết liệt của Bộ GTVT, VEC đã cam kết công trình sẽ về đích đúng tiến độ. Hiện nay, VEC đang tập trung điều chuyển bớt khối lượng của các đơn vị làm chậm, ứng thêm vốn, đồng thời tháo gỡ cơ chế chính sách để các nhà thầu dốc sức thi công, Nhờ vậy, thời gian gần đây, tình hình đã được cải thiện đáng kể.


Một tín hiệu tích cực nữa là đến tháng 5/2013, hạng mục đặc biệt quan trọng của dự án là thi công 530 m đường hầm xuyên núi thuộc gói thầu A6 đã được khai thông và đang trong giai đoạn hoàn thiện. “Mặc dù địa chất phức tạp, khó khăn trong thi công nhưng chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu kịp thời tháo gỡ các khó khăn, nên đường hầm cao 9 m, rộng 14,5 m, mặt đường bê tông nhựa đã đảm bảo tiến độ và an toàn tuyệt đối”, ông Kim Min Jae - Giám đốc nhà thầu Doosan (Hàn Quốc) cho biết. Cùng với đó, đến nay dự án đã thông tuyến hợp long các công trình cầu sông Hồng, sông Lô, hầm chui quốc lộ 2 trên tuyến; khối lượng thực hiện tại 8 gói thầu hiện đã đạt hơn 60% giá trị dự án.

 

Thông xe vào cuối năm nay


Tại buổi lễ ký cam kết đẩy nhanh tiến độ dự án giữa VEC và các nhà thầu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Dự án đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Mục tiêu thông xe vào cuối năm 2013 đang dần trở thành hiện thực. Các gói thầu A4, A5 có thể thông xe kỹ thuật chậm hơn khoảng 1 tháng so với các gói thầu khác, song các nhà thầu cũng phải nỗ lực để hoàn thành vào cuối năm 2013, để không ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác chung toàn tuyến. Được biết, VEC sẽ dành kinh phí đáng kể để thưởng cho các nhà thầu cán đích sớm.


Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC, dự án đã từng bước vượt qua được khó khăn, thách thức về điều kiện thời tiết không thuận lợi, giải phóng mặt bằng chậm, giá cả nguyên vật liệu tăng… Để đạt được mục tiêu thông tuyến, dự án còn phải hoàn thành hàng trăm nghìn m3 vật liệu móng mặt đường, hàng chục cây cầu với các khẩu độ lớn nhỏ... Tuy nhiên, VEC cam kết cung cấp đủ vốn, giải ngân kịp thời cho các nhà thầu và giải quyết dứt điểm các vướng mắc trên công trường, tạo mọi tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công.

 

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hai hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế trọng điểm duyên hải vịnh Bắc bộ. Khi tuyến đường này hoàn thành, hành trình từ Hà Nội lên Lào Cai được rút xuống còn khoảng 3 tiếng, tạo đà phát triển kinh tế cho khu vực Tây Bắc, đồng thời góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước và vùng lãnh thổ trong tiểu vùng sông Mê Kông.

 

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN