Một người bố đưa con đến thăm sở thú. Ông ta mua cho con chiếc vé vào cửa giá 3 ơ - rô. Tại cửa vào, người soát vé nói với ông bố: “Cháu bé thế này chỉ phải mua loại vé 2 ơ - rô thôi”. Người bố trả lời: “Cháu tuy bé nhưng đã bảy tuổi rồi. Tôi mua vé cho cháu theo giá quy định đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên”. Người soát vé lại nói: “Nếu ông cứ bảo với tôi là cháu 5 tuổi thì tôi đâu có biết”. Ông bố: “Tôi có thể nói dối ông, nhưng không thể nói dối con tôi”.
Trong mắt đứa bé là một ông bố trung thực.
Ở Việt Nam, có rất nhiều chuyện không như thế, nếu không nói là trái ngược.
Có lần, trên phố Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khi một chiếc xe tải nhỏ loại không mui của cảnh sát khu vực chở một số rau quả và quang gánh vừa thu của mấy bà bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè phải dừng lại do tắc nghẽn giao thông, một ông bố chở con trên xe máy đi cạnh đó đã “vô tư” với tay vào thùng xe tải lấy một quả bí xanh.
Đứa con ngồi sau xe máy nghĩ gì về hành vi xấu này của ông bố?
Nhiều ông bố (cũng có khi là bà mẹ) chở con từ trường mẫu giáo về, đến ngã tư gặp đèn đỏ, cứ “vô tư” vượt. Đứa trẻ chắc hẳn rất ngạc nhiên khi thấy bố (hoặc mẹ) nó không theo tín hiệu đèn giao thông như cô giáo dạy: Đèn xanh thì đi, đèn đỏ dừng lại.
Không ít trường hợp, vì một mục đích nào đó, người lớn buộc phải nói dối. Chỉ có điều, nhiều người cứ “vô tư” nói dối trước mặt con trẻ mà không nghĩ đến hậu quả. Chuyện ở một gia đình: Có chuông điện thoại. Người mẹ nhấc máy nghe, rồi trả lời: “Nhà tôi đi vắng ạ”. Bé gái tuổi mẫu giáo thật thà hỏi mẹ: “Sao mẹ nói dối? Bố đang ở nhà mà!”...
Và nhiều khi, trước mặt trẻ con, không ít người lớn vẫn “vô tư” văng tục....
Có thể kể ra rất nhiều chuyện khác về những sự “vô tư” như vậy của người lớn trước mặt con trẻ. Không biết trẻ con nghĩ gì, nhưng những sự “vô tư” ấy rõ ràng là có tác động không tốt đối với quá trình giáo dục nhân cách của trẻ thơ.
NGUYỄN QUỐC UY