Vạn Thủy là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Sơn - Lạng Sơn, với diện tích đất canh tác của toàn xã khoảng 200 ha, trong đó chỉ có khoảng 50 ha có thể trồng được lúa nước, còn lại là đất đồi. Trong điều kiện khó khăn như vậy, lãnh đạo và người dân nơi đây đã xác định đúng hướng phát triển kinh tế bằng cây lâm nghiệp, giúp xóa đói và vươn lên làm giàu.
Ông Đặng Kim Minh, người cao tuổi nhất của bản, kể: "Từ lâu lắm rồi, vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được biết tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, người dân trồng rất nhiều quế và đặc biệt là chỉ cần bán vài cây to là có thể xây được phòng học cho con em trong bản, nên tôi đã tìm đường sang tận đấy học hỏi cách thức trồng, chăm bón và mua giống cây quế về vận động bà con trong thôn cùng trồng. Do chịu khó chăm sóc và đặc biệt là cây quế hợp chất đất nơi đây, nên cây phát triển rất tốt, cho thu nhập cao. Thu nhập từ vụ quế năm trước, gia đình tôi đã dựng được ngôi nhà sàn mới trị giá gần 100 triệu đồng".
Ngoài hộ ông Minh, ở thôn còn rất nhiều gia đình trồng từ một đến vài ha quế. Tiêu biểu như gia đình bà Triệu Thị Keo có tới 4 ha quế đang tới thời kỳ thu hoạch; năm 2011 một ha quế đầu tiên gia đình bà đã thu về gần 100 triệu đồng. Từ tiền bán quế, gia đình bà đã có tiền để tái đầu tư sản xuất, mua sắm các tiện nghi sinh hoạt và đảm bảo việc học tập cho con, cháu. Chỉ tính riêng năm 2011, toàn thôn Khuổi Cay đã xuất bán 60 tấn vỏ quế tươi; tính trung bình 1kg vỏ quế có giá từ 10.000 - 12.000 đồng, thì riêng tiền thu từ quế đã mang lại cho bà con trong thôn trị giá trên 6 tỷ đồng. Một số tiền không phải là nhỏ đối với một thôn vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn trên quê hương Xứ Lạng.
Được biết, hiện nay toàn thôn có 21 hộ dân nhưng đã trồng được trên 60 ha rừng quế. Theo tính toán của bà con, mỗi cây quế trồng từ khoảng 15 – 20 năm bắt đầu cho thu hoạch; một cây có đường kính 30 cm sẽ cho khoảng 20 kg vỏ tươi, trị giá khoảng 200.000 đồng, cộng với bán thân cây khoảng từ 30.000 - 50.000 đồng.
Thái Thuần