Chậm triển khai, người dân gặp khó

Đã hơn một năm thực hiện Đề án 79 của Chính phủ, tỉnh Điện Biên và huyện Mường Nhé đang nỗ lực tập trung xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là các công trình cấp nước sinh hoạt, đường giao thông đến các điểm bản, nhà, lớp học và thực hiện hỗ trợ việc di chuyển, ổn định sản xuất cho đồng bào. Dù vậy, nhiều hạng mục công trình không được triển khai đồng bộ đã gây ra những tác động không tốt cho tâm lý người dân còn chưa yên tâm trên những nơi ở mới.


Mô hình sản xuất vườn - ao - rừng đang đem lại cho người dân Mường Nhé cuộc sống mới. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

 

Ông Vàng Xó Vừ, bản Nậm Pố 3, xã Mường Nhé cho biết: “Dự án làm thủy lợi đến khu vực nhà tôi thì dừng lại, nước dẫn về không có chỗ tiêu đi, cây cối hoa màu trong vườn bị ngập chết, lợn gà không nuôi được. Trời mưa thì không có đường mà đi”. Theo thiết kế, vị trí gần nhà ông Vừ sẽ có cống dẫn nước xuôi về khu vực ruộng nước, vì chưa được triển khai nên mỗi khi mưa xuống, nước lại ngập hết ruộng vườn, chuồng trại của các hộ dân.


Để triển khai Đề án của Chính phủ, các bộ ngành trung ương thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo và bố trí vốn cho Điện Biên, kể cả vốn đầu tư cũng như vốn sự nghiệp. Nhưng do việc thỏa thuận, phân bổ nguồn vốn vẫn phải thực hiện với trung ương, nên không bố trí kịp thời nguồn lực triển khai dự án. Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho rằng, việc thỏa thuận, phân bổ nguồn vốn vẫn phải thực hiện với trung ương kéo dài thời gian thực hiện.


Trong gần 1.000 hộ dân cần phải di dời sắp xếp, hiện còn hơn 200 hộ chưa muốn chuyển đến nơi ở mới. Họ vẫn còn ngại ngần, lo lắng khi phải từ bỏ những tập quán canh tác lâu đời để làm quen với phương thức sản xuất mới. Thêm vào đó là rào cản ngôn ngữ khiến công tác tuyên truyền gặp phải trở ngại lớn. Anh Lò Văn Nam, cán bộ phòng NN&PTNT huyện Mường Nhé, cho biết: “Khi họp tuyên truyền, nhiều ông, bà già không biết tiếng phổ thông, lớp trẻ thì ít khi đi họp nên rất cần cán bộ tuyên truyền là người dân tộc thiểu số. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ cơ sở còn mỏng và yếu”.


Sự vào cuộc cùng chính quyền địa phương còn có Bộ đội Biên phòng Điện Biên khi cử các tổ, đội công tác biên phòng tăng cường xuống bản, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, giải thích chính sách, tháo gỡ những vướng mắc cho đồng bào. Khi được đi thăm bản mới, được bộ đội giải thích về mô hình sản xuất vườn - ao - rừng kết hợp với cây công nghiệp, anh Mùa A Dếnh bản Cà Nà Pá, xã Leng Su Sìn rất yên tâm an cư lạc nghiệp. Anh Dếnh tâm sự: “Tôi đã đến xem bản mới thấy Đề án 79 hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều. Có đất ở, có đất trồng cao su. Tôi thấy là Chính phủ đã tạo điều kiện rất nhiều để sau này, chúng tôi không phải di cư nữa”.


Vậy nhưng, không phải người Mông nào cũng sẵn sàng thay đổi thói quen và tập quán canh tác lâu đời. Anh Vàng A Vải, bản Cà Nà Pá, băn khoăn: “Tôi chưa đi xem bản mới nhưng tôi cũng không muốn chuyển đi, ở đây tôi có nương, không nhiều nhưng mỗi năm cũng được 70 - 80 bao thóc, trồng cao su thì không có thóc ăn.


H.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN