Từ 1/7 tới, các phương tiện vận tải không lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) hoặc thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn sẽ bị xử phạt. Những doanh nghiệp có 20% số xe bị phát hiện chạy quá tốc độ sẽ bị tước giấy phép kinh doanh vận tải. Giờ “G” sắp điểm, nhưng câu chuyện lắp đặt hộp đen vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh số vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Sẽ công khai vi phạm từ hộp đen
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, vi phạm về tốc độ của các phương tiện vận tải hiện nay rất phổ biến, là ‘thủ phạm” chính gây TNGT. Vì vậy, dù chưa có chế tài “phạt nguội” lái xe thông qua hộp đen, nhưng từ ngày 1/7 tới đây, thông tin vi phạm trích xuất từ hộp đen sẽ là căn cứ để cơ quan chức năng xử phạt doanh nghiệp, thu hồi phù hiệu chạy xe và cao nhất là tước giấy phép kinh doanh vận tải.
Các chuyên viên phải tháo "táp-lô" của xe để tìm thiết bị. |
Theo đó, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ cung cấp công khai cho các phương tiện thông tin đại chúng số lượng xe vi phạm trong ngày, những xe nào, của doanh nghiệp nào, mức độ vi phạm ra sao... Hiện cả nước có 48.000 phương tiện nằm trong diện bắt buộc phải lắp hộp đen. Qua rà soát sơ bộ các vụ TNGT từ đầu năm đến nay cho thấy, có đến 90% số vụ liên quan đến các xe nằm trong diện phải lắp hộp đen. Do đó, nếu thực hiện tốt việc lắp hộp đen, tình hình TNGT sẽ giảm.
Qua kiểm tra thông tin dữ liệu của 1.200 phương tiện vận tải trong tháng 5/2013, Thanh tra Bộ GTVT cho biết: Bình quân mỗi xe khách chạy quá tốc độ trong một ngày 22 lần, xe buýt là 7 lần; xe vi phạm quá tốc độ nhiều nhất là 300 lần; tốc độ cao nhất là 126 km/giờ. Những con số này cho thấy, các thông tin trích xuất từ hộp đen nếu được cập nhật, xử lý chặt chẽ sẽ là cơ sở chính xác, vừa giúp các doanh nghiệp vận tải quản lý được phương tiện và người lái, vừa cung cấp thông tin gốc cho các cơ quan chức năng.
Giờ “G” đã sắp điểm, nhưng hiện nay, câu chuyện lắp đặt hộp đen vẫn còn quá nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó có việc tìm kiếm “một sân chơi” bình đẳng trên thị trường hộp đen. Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin Tức, trên thị trường đang tồn tại nhiều loại hộp đen khác nhau, với nhiều mức giá và cũng đa dạng về nguồn gốc xuất xứ. Có rất nhiều nhà cung cấp chào bán hộp đen đã hợp chuẩn với giá từ 8 - 9 triệu đồng, nhưng cũng có thiết bị chỉ hơn 2 triệu đồng. Cả nước hiện có tới hơn 50 doanh nghiệp cung cấp hộp đen, nhưng qua thanh tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực về nhân lực, thiết bị phục vụ sản xuất: thiết bị không trích xuất được đủ các thông tin bắt buộc; thậm chí một số doanh nghiệp còn gian lận trong việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ thiết bị... Đến nay, Thanh tra Bộ GTVT đã thu hồi giấy chứng nhận hợp quy của 3 nhà cung cấp sai phạm là: Công ty Tân Á Châu, Công ty Sao Việt, Công ty Vạn Xuân.
Vị trí lắp đặt hộp đen cần dễ nhìn, dễ cảnh báo. |
Hiện việc lắp đặt hộp đen cũng không được các lái xe và doanh nghiệp vận tải mặn mà. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Ô tô số 2 cho biết: Hộp đen chỉ có lợi cho doanh nghiệp, xã hội chứ không có lợi cho lái xe, nên nhiều lái xe tìm mọi cách đối phó, hòng thoát khỏi sự giám sát của doanh nghiệp. Trước đây, từng có thời điểm, hầu hết các xe lắp hộp đen đều bị lái xe báo hỏng thiết bị, nhưng khi kiểm tra mới biết là do lái xe ngắt nguồn điện. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải không quan tâm đến trạng thái hoạt động của thiết bị. Có trường hợp thiết bị gặp sự cố đến cả tháng, nhưng doanh nghiệp cũng không hay biết, thậm chí cũng không quan tâm đến việc bảo hành...
Không lắp hộp đen, không được kiểm định
Bộ GTVT đã công bố có 24 doanh nghiệp cung cấp “hộp đen” được cấp chứng nhận hợp quy, với giá thiết bị dao động từ 4 - 7 triệu đồng/thiết bị (14 đơn vị tại Hà Nội, 8 đơn vị tại TP.HCM và 2 đơn vị tại Hải Phòng), đăng tải trên website của Bộ GTVT: http:// www.mt.gov.vn Do đó, các doanh nghiệp vận tải có thể dễ dàng nhận biết các thiết bị hợp chuẩn nhờ chứng nhận thiết bị hợp quy của Bộ GTVT. |
Ghi nhận của phóng viên tại các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, phía Nam... của Hà Nội, hộp đen thường được các nhà xe lắp bên trong táp lô, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra. Trong khi đó, theo quy định, hộp đen phải được lắp đặt tại vị trí dễ nhìn nhất. Bởi dễ sử dụng nhất, vì thiết bị chuẩn sẽ phát ra âm thanh cảnh báo mỗi khi xe đi vượt tốc độ, sai làn đường, vượt quá số giờ lái, giúp lái xe phát hiện và điều chỉnh ngay.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Theo Nghị định 91/2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, có năm loại ô tô phải lắp đặt hộp đen gồm: Xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch và xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container. Ô tô không lắp đặt hộp đen hoặc hộp đen không hoạt động theo quy định sẽ bị xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời không được kiểm định khi đến thời hạn đăng kiểm.
Còn theo Nghị định 93/NĐ - CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép khi vi phạm điều kiện kinh doanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ và an toàn vận tải. Cụ thể, đó là những đơn vị có 5% số lượng lượt xe hoạt động trên tuyến vi phạm hành trình; có 20% số lượng lượt xe vi phạm quy định về tốc độ; 20% số lượng lượt xe vi phạm đón, trả khách không đúng nơi quy định; 10% số lượng lượt xe vi phạm quy định về thời gian điều khiển phương tiện.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận tải khách qua hộp đen và kiềm chế TNGT, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có Công văn 4636/BGTVT yêu cầu các sở GTVT và các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra phương tiện vận tải của các doanh nghiệp trên địa bàn qua hộp đen. Qua đó, các doanh nghiệp kịp thời phát hiện các phương tiện, lái xe vi phạm, nhất là các vi phạm về tốc độ, thời gian lái xe, hành trình... để chấn chỉnh kịp thời.
Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 5... đều khẳng định: Việc lắp đặt “hộp đen” được xem như gắn thêm “mắt thần” giao thông, đẩy lùi vi phạm, TNGT, mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp vận tải và hành khách. Do đó, việc coi thường quy định này, cũng như viện dẫn nhiều lý do để không tuân thủ phải được chấn chỉnh kiên quyết bằng các chế tài xử lý mạnh tay.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia: Tăng cường khai thác dữ liệu từ hộp đen
Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia đang gấp rút hoàn thiện phần mềm tự động truy cập thông tin, tổng hợp báo cáo hàng ngày về các xe vi phạm tốc độ. Phần mềm này sẽ thống nhất kết nối tất cả các hộp đen và xử lý thông tin từ hộp đen trên cả nước về một trung tâm, phục vụ công tác quản lý ATGT từ Bộ GTVT đến các địa phương. Từ ngày 1/7 - 30/9, ngành chức năng sẽ tăng tốc “chiến dịch” khai thác dữ liệu từ hộp đen để chấn chỉnh hoạt động vận tải của các doanh nghiệp và chỉ trích xuất các thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước về ATGT theo quy định, không trích xuất những thông tin liên quan đến quản lý kinh doanh nội bộ của doanh nghiệp.
Ông Đào Thanh Anh - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh: Nhiều lỗi của hộp đen do người sử dụng gây ra
Công ty đã được cấp chứng nhận hợp quy về thiết bị giám sát hành trình của Bộ GTVT; đồng thời cam kết các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng và bảo hành. Tuy nhiên, trên thực tế, hộp đen được các doanh nghiệp vận tải lắp đặt trong môi trường khá khốc liệt như rung xóc, nhiệt độ, độ ẩm cao, nên thiết bị này rất dễ gặp trục trặc. Thậm chí có những hộp đen bị lái, phụ xe bơm hóa chất vào làm hỏng bản mạch hoặc cố tình gây hỏng hóc. Do đó, nhiều lỗi của hộp đen hiện nay do người sử dụng gây ra. Bên cạnh đó, khi thiết bị báo lỗi, các đơn vị không chủ động liên hệ với nhà cung cấp để bảo hành hoặc không hợp tác.
Vụ trưởng Vụ Vận tải pháp chế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Đỗ Xuân Hoa: Khắc tinh của vi phạm
Cùng với các giải pháp đồng bộ kéo giảm TNGT như: Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền... , quy định bắt buộc phải lắp đặt hộp đen đối với ô tô hiện nay được xem là khắc tinh của các hành vi vi phạm Luật Giao thông. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã quy định hộp đen là điều kiện để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, do đó, các xe trong diện lắp đặt đều phải tuân thủ quy định. |
Nguyễn Tiến