Chất vấn còn thiếu lửa

Ngày làm việc 21/11 đã kết thúc các phiên chất vấn tại Quốc hội. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị - ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có nhận xét về phần chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành.

 

Xin ông cho biết đánh giá về các phiên chất vấn và trả lời chất vấn?

 

Nhìn chung tôi thấy trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành chân thành, cầu thị, rất nghiêm túc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội chưa hài lòng bởi cách trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành vẫn như các năm, nói dài về tình hình công tác của ngành mà chưa trả lời trực diện vào các câu hỏi của đại biểu. Đại biểu chất vấn có tiêu cực không, có tham nhũng không, tiêu cực ấy xử lý thế nào thì phải nói thẳng vào câu hỏi, phải trao đi đổi lại để tăng tính phản biện trong quá trình chất vấn. Nếu chỉ hỏi một chiều, sau đó trả lời một chiều, không có đối thoại nhiều, không có tranh luận trao đổi nhiều, những vấn đề bản chất, cốt lõi sẽ không bật được ra.


Tôi có cảm giác thiếu lửa, không phải là thiếu sự gay gắt mà là chưa đến tận cùng với vấn đề. Chúng ta biết chất vấn là nhận thức, nhận biết vấn đề, điều quan trọng là hậu chất vấn, là hành động và chuyển động. Nếu sau chất vấn mà không hành động, không chuyển động, mọi thứ đều vô nghĩa, chất vấn không ý nghĩa nữa. Chất vấn cuối cùng phải quy trách nhiệm cá nhân, sau đó bộ trưởng, trưởng ngành có giải pháp thiết thực để chuyển động đối với ngành của mình, chuyển động theo hướng tích cực, khắc phục những tồn tại, thiếu sót, bất cập, đấy mới là hiệu ứng tốt của chất vấn. Tôi hy vọng sau chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ hành động thế nào, chuyển động ra sao chứ không phải chỉ là những lời hứa trên hội trường.

 

Vậy ông có ý kiến thế nào về trách nhiệm của người được chất vấn?


Theo tôi Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải điều hành kiên quyết hơn và hướng các bộ trưởng, trưởng ngành phải thấy được trách nhiệm. Bởi vì bởi bản chất của chất vấn là quy trách nhiệm cá nhân, không phải chỉ để nắm tình hình hoặc tìm hiểu thông tin, càng không phải là để truy xét một tập thể mà phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Nếu không, chất vấn xong, lần sau vì không rõ trách nhiệm cá nhân nên vẫn chất vấn lại và những vấn đề đó thường là không được khắc phục. Điều này cần rút kinh nghiệm, kể cả đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ.


Để phiên chất vấn có lửa, việc lựa chọn người ngồi vào vị trí "ghế nóng" có phải là vấn đề quyết định không, thưa ông?


Đúng vậy, việc lựa chọn những người trả lời chất vấn được rất nhiều cử tri quan tâm. Đại biểu Quốc hội là người mang tiếng nói của cử tri lên diễn đàn Quốc hội. Vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, dư luận xã hội quan tâm và đại biểu Quốc hội quan tâm sẽ thể hiện qua việc lựa chọn đúng người để chất vấn. Thời gian qua, đại biểu băn khoăn nhiều là có những vấn đề nóng của một số vị bộ trưởng nhưng không được đưa ra chất vấn lần này. Cử tri hỏi tôi liệu Quốc hội có “né” những vấn đề nóng không? Đoàn Chủ tịch và Thường vụ Quốc hội cũng cân nhắc lựa chọn người nào để trả lời. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nóng cử tri nêu chưa được bàn thảo kỹ lưỡng trên diễn đàn Quốc hội.


Xin cảm ơn ông!


Xuân Cường - Thanh Vân (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN