Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây kêu gọi về việc thành lập cơ quan xếp hạng tín dụng của châu Âu, khi bất bình trước việc gần đây một số nước mắc nợ trong khu vực bị hạ mức xếp hạng trong lúc đang tìm kiếm các khoản cứu trợ, khiến chi phí vay mượn tăng mạnh, điều có thể làm cho cuộc khủng hoảng thêm tồi tệ.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói cần phải hạn chế ảnh hưởng của các cơ quan xếp hạng tín dụng, nhất là sau khi các cơ quan này có những quyết định gây tranh cãi. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng nhất trí với quan điểm cho rằng phải có những điều chỉnh đối với các cơ quan xếp hạng.
Ông cho rằng châu Âu cần có một cơ quan xếp hạng riêng để làm đối trọng với các cơ quan xếp hạng của Mỹ.
Liên quan tới việc cứu trợ Hy Lạp, bà Merkel kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân có đóng góp lớn hơn, giữa lúc sức ép gia tăng đối với việc phải hành động quyết liệt hơn để cứu nước này khỏi nguy cơ vỡ nợ. Bà cho rằng nếu các nhà đầu tư tư nhân không tự nguyện đóng góp đáng kể cho gói cứu trợ vào lúc này thì sau đó họ có thể sẽ buộc phải góp sức cho một giải pháp tốn kém hơn. Bà nói sẽ chỉ tham gia cuộc họp sắp tới của các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro sắp tới bàn về gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp nếu các quan chức đã chuẩn bị một kế hoạch cứu trợ cụ thể.
Các nhà chức trách châu Âu đã đề xuất một loạt kế hoạch dùng nguồn tài chính của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) để mua lại hoặc hoán đổi số trái phiếu chính phủ của Hy Lạp mà các nhà đầu tư tư nhân như các ngân hàng hay công ty bảo hiểm đang nắm giữ, khi họ đang đối mặt với những thiệt hại, do giá những trái phiếu này đã giảm tới 50% so với ban đầu. Với khối nợ khổng lồ là 340 tỷ euro của Hy Lạp, các nhà đầu tư tư nhân chắc chắn phải chấp nhận lỗ khi bán trái phiếu của nước này, còn lĩnh vực công sẽ được lợi. Một khả năng nữa là EFSF sẽ hoán đổi trái phiếu của Hy Lạp với trái phiếu mà quỹ phát hành và bảo lãnh. Việc mua lại trái phiếu được xem là giải pháp khả thi nhất, vì theo cách này, nợ công của Hy Lạp có thể giảm 20 tỷ euro.
Nhằm lôi kéo sự tham gia của lĩnh vực tư, các nước sử dụng đồng euro muốn đánh thuế đối với lợi nhuận của các ngân hàng không trực tiếp đóng góp vào gói cứu trợ Hy Lạp. Nguồn thu này sẽ được dành quỹ hỗ trợ các thiết chế tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Việc đánh thuế các ngân hàng Đức có thể huy động được 1 tỷ euro mỗi năm cho quỹ này.
Trở ngại về luật và kỹ thuật đối với giải pháp này nằm ở cách thức tham gia của lĩnh vực tư. Hiện quy định của EFSF không đề cập tới việc mua trái phiếu từ thị trường thứ cấp và việc thay đổi quy định sẽ cần phải có sự thông qua của quốc hội các nước. Một trở ngại khác đến từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khi Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet nói sẽ phản đối bất cứ giải pháp nào khiến các cơ quan xếp hạng tín dụng tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ. Ông cho rằng chỉ riêng thỏa thuận về đóng góp của lĩnh vực tư sẽ không giải quyết được vấn đề, khi mà Hy Lạp cần giảm một nửa nợ công xuống 80% GDP để có thể ổn định về tài chính trong dài hạn.
Bên cạnh đó, những lựa chọn khác cũng đã được đưa ra, trong đó có việc kéo dài thời hạn thanh toán đối với trái phiếu của Hy Lạp. Ngoài ra, như một phần của gói cứu trợ, các quan chức châu Âu cũng đang tìm kiếm các giải pháp khác để giúp Hy Lạp như cung cấp một khoản vay bổ sung khẩn cấp từ các chính phủ trong khu vực và IMF, tiến hành các bước để tái vốn hóa cho các ngân hàng Hy Lạp và châu Âu, tìm cách kích thích tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp.
Mỹ, cổ đông chủ chốt của IMF và đóng một vai trò quan trọng trong việc cứu trợ Hy Lạp, đã lên tiếng ủng hỗ những nỗ lực của nước này. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Lawrance Summers, cho rằng châu Âu cần hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tác động của cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp đối với đồng tiền của khu vực và đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Ông đề xuất các giải pháp như hạ lãi suất các khoản cho vay cứu trợ, cho phép các nước châu Âu mua sự bảo lãnh của Liên minh châu Âu đối với trái phiếu mới phát hành.
Lê Minh