Chế tài nghiêm nếu “lờ” đơn thư của dân

Hôm nay (28/10), Quốc hội sẽ thảo luận Luật Tiếp công dân. Phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với đại biểu Trần Ngọc Vinh (ảnh), Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh vấn đề đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân không được trả lời.



Xin ông cho biết các đơn thư công dân gửi qua ông đến cơ quan chức năng đã được giải quyết thế nào?


Ngay cả đại biểu Quốc hội có công văn và chuyển đơn thư của công dân tới các cơ quan chức năng nhưng một số nơi trả lời, một số nơi không trả lời và cũng không có chế tài nào xử lý tình trạng này. Như ở Hải Phòng, đơn thư của công dân gửi đến và tôi chuyển đến cơ quan chức năng, chỉ có khoảng 50% là có trả lời. Tuy vậy, việc trả lời cũng chưa dứt điểm, rõ ràng và tạo sự vòng vo với nhiều lý do.


Thưa ông, dự thảo Luật Tiếp công dân có giải quyết được tình trạng đơn thư của công dân được chuyển vòng vo?


Ban hành Luật Tiếp công dân vào thời điểm hiện nay là rất cần thiết, vì phần lớn nội dung các cuộc tiếp công dân là đơn thư khiếu nại tố cáo. Việc giải quyết của các cơ quan chức năng hiện nay nhiều nơi còn đùn đẩy cho nhau, trách nhiệm chưa cao. Do vậy phải có luật quy định. Còn hiện tại vẫn chưa có quy định đầy đủ việc cơ quan nào phải tiếp và tiếp như thế nào; rồi người đứng đầu cơ quan đó phải tiếp và không tiếp thì có chế tài xử lý ra sao.


Hiện nay người đứng đầu cơ quan lấy lý do bận công việc, phần lớn gửi cho văn phòng hoặc cấp trưởng, phó phòng ra tiếp thay; trong khi đó người dân muốn gặp trực tiếp người có trách nhiệm giải quyết. Do đó trong Luật quy định người đứng đầu phải tiếp công dân, nếu không tiếp phải xử lý như thế nào…


Khi đơn của công dân đến thì các cơ quan phải trả lời. Đặc biệt là yêu cầu đến từ các cơ quan Quốc hội. Hiện chưa có chế tài xử lý nên đơn đi vòng vo chưa đạt hiệu quả. Tôi mong rằng, Luật Tiếp công dân sẽ giải quyết được sự bất cập mà xã hội đang đặt ra.

 

Vậy theo ông cần áp dụng chế tài như thế nào để có thể giải quyết được vấn đề này?


Theo tôi, người đứng đầu cơ quan đó phải có trách nhiệm xử lý, trả lời đơn thư của công dân. Luật đề ra chế tài đủ mạnh để buộc người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ đó. Nếu không thực hiện nhiệm vụ được giao thì phải thay đổi.


Chế tài xử lý việc không trả lời đơn thư của công dân sẽ có nhiều mức. Nhẹ là khiển trách, nặng hơn là cảnh cáo, mức nặng hơn nữa là thuyên chuyển công tác.

 

Tuy nhiên đang có nhiều ý kiến khác nhau về đơn vị tiếp công dân là chuyên trách hay kiêm nhiệm?


Tôi cho rằng một số đơn vị phải chuyên trách, một số đơn vị không cần chuyên trách. Bộ phận thường xuyên giải quyết cần chuyên trách nhưng chỉ nằm trong cơ quan đó. Nếu thành lập trụ sở thì bộ máy sẽ cồng kềnh, rồi con dấu… Do đó chúng ta phải làm sao tinh gọn bộ máy nhưng vẫn giải quyết được hiệu quả cho dân. Đó cũng là vấn đề đặt ra.


Xin cám ơn ông!


Xuân Minh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN