Dọc theo dòng sông Mã, thuộc địa phận huyện Sông Mã có thể dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của nhiều cây cầu treo bắc qua sông. Đáng chú ý, bên cạnh các cây cầu treo, thì người dân sống hai bên bờ sông còn tự làm những cây cầu phao tạm để phục việc đi lại hàng ngày được thuận lợi.
Tại khu vực bản Chiên, xã Chiềng Khoong, một cây cầu phao như thế cũng đã được người dân ở đây làm ra và duy trì nhiều năm nay. Cây cầu này có chiều dài hơn 50m, được làm rất đơn giản, vật liệu để làm mặt cầu chủ yếu là tre, gỗ, phần phao được tận dụng từ những thùng phuy bằng để giúp cầu nổi trên mặt nước. Để cố định cầu tại một điểm, người dân sử dụng những sợi thép và cáp nhỏ kéo từ bên này qua bên kia bờ sông, sau đó neo cây cầu này vào.
Là người dân thường xuyên qua lại trên cây cầu phao này, anh Lò Văn Tuấn, bản Mòn, xã Chiềng Cang bày tỏ, hàng ngày anh đều đi qua đây để đưa con đi học. Đi qua cầu phao này gần hơn so với đi đến các điểm có cầu treo ở khu vực khác. So với cầu treo thì cầu phao không đảm bảo an toàn bằng, nhất là về mùa mưa rất trơn trượt. Nhưng vì gần hơn nên bà con vẫn đi lại hàng ngày.
Theo anh Vì Văn Diêm, Trưởng bản Chiên, xã Chiềng Khoong, hiện tại có 8 bản bên này sông đi qua cầu tạm này. Cây cầu này được bà con trong bản cùng nhau góp, cùng nhau làm nhằm phục vụ các cháu học sinh đi học đỡ vất vả. Vào mùa mưa khi nước sông dâng cao thì nguy hiểm, nhưng bà con vẫn phải đi con đường này.
Những khi nước lũ về bà con trong bản sẽ dỡ cầu, khi nào nước rút mới đưa ra sử dụng tiếp. Cây cầu này được bà con làm từ năm 2006, mỗi năm sau mỗi mùa lũ đều được người dân tự tu sửa lại. Mặc dù, biết cây cầu này không đảm bảo an toàn nhưng bà con vẫn đưa con em đi qua đây bới nếu đi đường vòng sẽ xa hơn gần 3km. Mong muốn của bà con là có một cây cầu treo bắc qua khu vực này để việc đi lại an toàn và thuận tiện hơn.
Do đặc thù là địa bàn miền núi, địa hình có nhiều sông, suối chia cắt, dân cư lại phân bố rải rác nên người dân tại huyện Sông Mã phải làm nhiều cây cầu treo để phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Những cây cầu treo này được làm với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước, nhưng qua thời gian, nhiều cây cầu đã xuống cấp, không còn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Xã Chiềng Cang là một trong những địa bàn có nhiều cầu treo dân sinh tại huyện Sông Mã.
Theo chính quyền địa phương, những cây cầu treo được xây dựng từ những năm 2008 - 2009. Hiện nay, dọc hai con suối và hai tuyến đường liên bản có 5 cái cầu treo, qua quá trình sử dụng đã xuống cấp. Những cây cầu treo được làm ra chỉ đáp ứng được việc lưu thông của người đi bộ và xe máy có trọng lượng nhẹ, còn đối với những phương tiện chở hàng cồng kềnh hoặc xe ô tô thì không thể đi qua được. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở đây.
Anh Lò Văn Sáng, bản Nà Khún, xã Chiềng Cang chia sẻ, cầu treo làm bằng tre và gỗ, mặt sàn mục đi qua rất khó. Nhưng chỉ có duy nhất con đường này nên người dân gần 10 bản ở khu trong này đều phải qua đây. Khó khăn nhất là trong việc vận chuyển nông sản, khi vào vụ người dân phải mất thêm chi phí đi lại, vì mỗi lần chỉ chở được một ít hàng. Nếu muốn chở nhiều thì phải vác hàng qua suối chứ không thể đi trên cầu treo vì rất hẹp.
Ông Trần Công Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Cang cho biết, hiện nay, các cầu treo của xã mới chỉ đáp ứng một phần đi lại với các phương tiện như xe máy và người đi bộ. Còn để đảm bảo cho các phương tiện vận tải lớn thì chưa đáp ứng được, xe ô tô vẫn phải đi qua suối nên rất khó khăn trong vận chuyển hàng hóa.
Vì vậy, việc trao đổi hàng hóa, đặc biệt là nông sản của bà con làm ra giá bán không được cao so với giá ở ngoài quốc lộ. Mong muốn của xã là được xây dựng cây cầu cứng, nhằm giúp việc phát triển kinh tế - xã hội của xã được thuận lợi.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Sông Mã có 99 cây cầu treo dân sinh; trong đó, có 6 cầu treo qua Sông Mã và 93 cầu qua các suối. Trong 93 cầu qua suối thì có 4 cầu trong tình trạng tốt, 9 cầu trung bình và 80 cầu yếu. Thực hiện việc rà soát, đánh giá hàng năm huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát và hướng dẫn các xã duy tu bảo dưỡng. Tuy nhiên, do nhiều cây cầu đã được xây dựng từ lâu nên hiện không còn đảm bảo an toàn, đồng thời chi phí để khắc phục sửa chữa là rất lớn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã Cầm Thị Ngọc Yến cho biết, là địa bàn có nhiều suối, ngoài ra dòng sông Mã chảy qua huyện có chiều dài trên 60km, vì thế nhu cầu cần phải xây cầu treo rất lớn. Thời gian qua, xây dựng cầu còn ít đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và lưu thông vận chuyển hàng hóa nông sản.
Trong những năm vừa qua, huyện đã có đề xuất và được tỉnh Sơn La và Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đầu tư một số các dự án xây dựng cầu. Riêng trong năm 2018, có 7 cầu cứng được triển khai theo nguồn vốn đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải.
Thời gian tới, huyện tiếp tục kiến nghị với tỉnh Sơn La và Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đầu tư xây dựng cầu kiên cố để giảm bớt những khó khăn trong việc đi lại của nhân dân, cũng như việc vận chuyển hàng hóa. Từ đó, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.