Đây là một trong các hoạt động thuộc Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á-Âu tăng cường hợp tác về thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững diễn ra tại Hà Nội.
Ông Kunio Mikuriya, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới phát biểu. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Tạo thuận lợi trong thực hiện trung chuyển hàng hoá Ông Nguyễn Nhật Kha, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát và Giám sát hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, trung chuyển đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hoá. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong thực hiện trung chuyển hàng hoá, đó là ưu thế về vị trí địa lý với đường bờ biển dài, biên giới đường bộ giáp nhiều quốc gia. Hệ thống khung pháp lý và quản lý trung chuyển hàng hoá của Việt Nam đang dần được xây dựng và kiện toàn. Việc hợp tác quốc tế với các quốc gia láng giềng cũng đang được Việt Nam đẩy mạnh với những thoả thuận trung chuyển song phương với ba nước Trung Quốc, Campuchia và Lào. Bên cạnh đó, Luật Hải quan và Luật Thương mại đang được triển khai tốt với việc ban hành nhiều Nghị định và Thông tư giúp đưa Luật vào thực tiễn cuộc sống.
Ở quy trình kiểm soát hàng hoá trung chuyển, Hải quan Việt Nam yêu cầu có mẫu khai báo về hàng hoá trung chuyển; với những trường hợp hàng hoá khả nghi phải có báo cáo kiểm tra ở cả điểm đi và điểm đến. Từ năm 2014, Hải quan Việt Nam đã đưa vào sử dụng hệ thống hải quan tự động do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Theo đó, tất cả các mẫu khai và quá trình thông quan cho hàng hoá trung chuyển đều được thực hiện tự động. Từ năm 2015, Việt Nam cũng thí điểm việc dùng dấu niêm phong điện tử dán vào công ten nơ để bảo vệ hàng hoá.
Theo ông Nguyễn Nhật Kha, quy trình trung chuyển hàng hóa của Việt Nam vẫn tồn tại một số khó khăn do quy trình hải quan giữa các quốc gia có một số điểm khác biệt. Vì vậy, cần có sự kết hợp và điều phối tốt giữa hải quan của các nước gửi, nước trung chuyển và nước nhận thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế giữa các quốc gia đối tác để xem xét giải quyết vấn đề một cách thuận lợi và tiết kiệm thời gian.
Ông Nguyễn Nhật Kha tin tưởng, với vị trí địa lý có nhiều ưu thế và khuôn khổ pháp lý đang ngày càng hoàn thiện, việc trung chuyển hàng hoá của Việt Nam nói riêng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung sẽ ngày càng thuận lợi hơn, đặc biệt là trung chuyển hàng hoá đường bộ.
Đối với nước Cộng hòa Kyrgyzstan, ông ShamilBerdaliev, Phó Chủ tịch Cơ quan Hải quan Kyrgyzstan cho biết, nước này đã hiện đại hóa các điểm kiểm soát biên giới phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, hệ thống dịch vụ hải quan của Kyrgyzstan đang trong quá trình hiện đại hóa nhằm phù hợp với Luật Hải quan của Liên minh Kinh tế Á-Âu. Tính đến nay, tất cả các hoạt động và thủ tục hải quan của Kyrgyzstan đã được tự động hóa bao gồm cả việc trao đổi thông tin, dịch vụ hải quan và quy trình thuế giữa cơ quan hải quan của các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Ông ShamilBerdaliev cho biết thêm, cùng với sự gia nhập của Kyrgyzstan vào Liên minh Kinh tế Á-Âu, lực lượng hải quan của nước này đã tiến hành trang bị các phương tiện kỹ thuật tại các trạm kiểm soát trên lãnh thổ gồm các hệ thống kiểm tra, thiết bị cân trọng lượng, phương tiện phát hiện ma túy… nhằm tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động trung chuyển hàng hóa.
Thúc đẩy kết nối thị trường
Ông Vitalie Vrabie, Vụ trưởng Dịch vụ Hải quan nước Cộng hòa Moldova cho biết: Là quốc gia có nhiều tiềm năng lớn về trung chuyển hàng hóa, Moldova đang thúc đẩy tương tác và kết nối thị trường với các nước, đặc biệt là các quốc gia khu vực Đông Âu và Tây Âu. Để làm được điều này, Moldova đã xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở đa phương thức, đặc biệt là hạ tầng cơ sở về vận tải như: Phát triển vận tải đường sông với tuyến đường thủy từ sông Danube (Đa Nuýp); ký Hiệp định Mậu dịch tự do với Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Âu.
Hiện nay, Moldova có hệ thống quá cảnh hải quan với sự tham gia hợp tác của nhiều quốc gia. Tỉ trọng hàng hoá quá cảnh từ các quốc gia Liên minh châu Âu vào Moldova và qua nước này rất lớn. Khối lượng hàng hóa này được áp dụng hình thức bảo lãnh hàng hoá quá cảnh, bằng chuyển khoản, tiền mặt hoặc thông qua các ngân hàng của Moldova. Hải quan Moldova cũng ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động như: Sử dụng dữ liệu vệ tinh cho hàng hoá quá cảnh, triển khai các hệ thống truy xuất hàng hoá quá cảnh trên máy tính, đặc biệt với những hàng hoá được vận chuyển bằng xe tải.
Chia sẻ một số kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ trong hoạt động hải quan, ông Osman Nuri Beyhan, Phó Vụ trưởng về Quan hệ đối ngoại và EU (Hải quan Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết: Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một số dự án cải tiến nâng cấp cửa khẩu thông qua hình thức xây dựng-vận hành-chuyển giao ( BOT). Theo đó, cơ quan hải quan ký hợp đồng với các doanh nghiệp tư nhân để họ xây dựng và kiểm soát cửa khẩu. Sau quá trình xây dựng, vận hành, doanh nghiệp tư nhân chuyển giao lại cho cơ quan hải quan. Thời gian hợp đồng có hiệu lực tuỳ thuộc vào chi phí và yêu cầu của các cơ quan chức năng và nhu cầu của hành khách đi qua cửa khẩu.
Theo ông Osman Nuri Beyhan, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ có 8 cửa khẩu theo mô hình này. Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng, việc triển khai mô hình sẽ đảm bảo phát triển bền vững qua hỗ trợ thuận lợi hoá và tự do hoá thương mại; giúp các đơn vị vận tải thực hiện các quy trình, thủ tục hải quan đơn giản, giảm thời gian chờ. Đồng thời, lực lượng hải quan Thổ Nhĩ Kỳ cũng duy trì được quan hệ hợp tác hải quan hiệu quả với các quốc gia khác.