Người có uy tín trong dân tộc thiểu số là chỗ dựa quan trọng của chính quyền các cấp trong công tác vận động quần chúng các dân tộc thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ở vùng dân tộc cũng như trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn TTATXH.
Người có uy tín được quan tâm
Theo ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, về thực hiện chính sách đối với người có uy tín, nhìn chung các địa phương đã bước đầu thực hiện có hiệu quả như: Hầu hết các địa phương UBND tỉnh, thành phố đã dành một nguồn kinh phí để thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín nhân các ngày lễ, Tết. Hỗ trợ gia đình người có uy tín khi họ gặp khó khăn, bệnh tật; định kỳ tổ chức hội nghị, tọa đàm, gặp mặt với người có uy tín để phổ biến nâng cao kiến thức pháp luật, quốc phòng - an ninh; tổ chức cho người có uy tín gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước; được đi tham quan, trao đổi học hỏi kinh nghiệm nâng cao trình độ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc biểu dương người có uy tín tiêu biểu tại Hội nghị ở Nghệ An. Ảnh: Lê Sơn |
Nhiều địa phương đã thực hiện và đề xuất các hình thức khen thưởng đối với người có uy tín như đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT tặng Kỷ niệm chương Đại đoàn kết dân tộc; tổ chức Hội nghị biểu dương người có uy tín từ cấp xã, đến cấp tỉnh qua đó phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những tấm gương tiêu biểu Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là những tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, là trung tâm đoàn kết, là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong công tác vận động quần chúng và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Việc tổ chức gặp mặt biểu dương những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm nhằm tôn vinh, biểu dương, ghi nhận công lao của người có uy tín, để biết ơn và phát huy vai trò nòng cốt và ảnh hưởng tích cực của người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cũng nhằm tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc phát huy vai trò của người có uy tín để vùng Tây Bắc và nhiều vùng trong cả nước học tập, nhân rộng nhiều gương sáng, điển hình về người có uy tín tiêu biểu. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc |
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mặt nhận thức, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương liên quan đã quan tâm chỉ đạo, huy động lực lượng và đầu tư kinh phí để triển khai thực hiện Chỉ thị; đã huy động được cả hệ thống chính trị tích cực tham gia công tác này. Lực lượng công an, đặc biệt là công an nhiều địa phương đã làm rất tốt chức năng nòng cốt, tham mưu và trực tiếp trong việc tổ chức thực hiện tại địa phương, đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng rà soát, lên danh sách đưa vào diện những người có uy tín cần tranh thủ, vận động, đề xuất phân công, phân cấp lực lượng trực tiếp vận động tranh thủ. Một số địa phương đã quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín, làm tốt công tác tranh thủ cá biệt đối với những người có điều kiện và đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Vẫn còn những hạn chế
Ông Bùi Thanh Thu, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và vướng mắc.
Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức thống nhất, đầy đủ tầm quan trọng, phương pháp, cách thức tiến hành nên trong chỉ đạo thực hiện chưa sâu sát. Việc phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp ở nhiều tỉnh chưa thống nhất. Việc xác định người có uy tín bằng bỏ phiếu, mỗi năm bầu một lần, mỗi bản chỉ được bầu một người và phải có hộ khẩu thường trú ở vùng DTTS, là chưa phù hợp, cần được nghiên cứu, sửa đổi.
Việc không hướng dẫn sự phân công, phân cấp, định rõ trách nhiệm của các cấp, từng cơ quan đã gây khó khăn, lúng túng cho địa phương. Việc trao đổi thông tin và sự phối hợp giữa các ban, ngành nhất là trong việc lập danh sách người có uy tín chưa chặt chẽ, cụ thể nên việc rà soát, xác định và lập danh sách người có uy tín đưa vào diện vận động chưa sâu sát; sự thống nhất và phân công, phân cấp tổ chức, cá nhân trực tiếp làm công tác vận động chưa cụ thể. Đa số người uy tín là già làng, trưởng bản hiện nay trình độ, nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà hạn chế nên hiệu quả công tác vận động quần chúng chưa cao.
Còn một số người có uy tín có tư tưởng lừng chừng. Ngân sách của địa phương cho công tác này hạn hẹp, mức chi cho lễ, Tết không quá 400.000đồng/người/năm là không đáp ứng được yêu cầu. Chưa có hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến hầu hết các địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện lập dự trù kinh phí đề nghị Bộ Tài chính cấp, cũng như thanh, quyết toán với cơ quan tài chính.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đội ngũ làm công tác vận động người có uy tín chưa chuyên sâu, năng lực hạn chế nên hiệu quả công tác, phát huy vai trò người có uy tín còn thấp. Công tác vận động và thực hiện chính sách với người có uy tín chưa thường xuyên, một số địa phương chỉ tiến hành khi có vụ việc xảy ra. Chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục, vận động, cảm hóa chính trị đối với những người có uy tín là chức sắc các tôn giáo, hoặc có tư tưởng ly khai, tự trị, có các dấu hiệu hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia. Còn khá chậm chạp trong việc giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh và cấp các loại báo cho người có uy tín còn chậm...
“Cánh tay nối dài “ Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là “cánh tay nối dài” giúp cho lực lượng công an nắm bắt kịp thời tình hình, đấu tranh phòng chống hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, bọn phản động FULRO. Người có uy tín đã phát huy được vai trò trong vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, nêu cao cảnh giác trước các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, phản động, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của từng gia đình và của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của người có uy tín, đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên |
Công an một số đơn vị, địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện chưa đầy đủ các nội dung cơ bản của Chỉ thị 06 của Thủ tướng và Hướng dẫn, kế hoạch của Bộ Công an. Chưa làm tròn vai trò tham mưu, nòng cốt trong tổ chức thực hiện công tác này, nhất là trong việc tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và chủ trì rà soát, lập danh sách, phân công, phân cấp công tác vận động đối với từng người có uy tín. Chưa nắm rõ tiêu chí xác định người có uy tín theo Hướng dẫn số 04 hoặc hiểu chưa đầy đủ về người có uy tín, do vậy còn nhiều người có uy tín nhưng chưa được đưa vào danh sách.
Việc phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong tổ chức vận động, tổ chức đưa người có uy tín đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm do lực lượng công an tham mưu ở nhiều tỉnh chưa thống nhất, một số nơi không giao đơn vị trinh sát chủ trì trong lựa chọn đối tượng, trực tiếp đưa đoàn đi tham quan… dẫn đến hiệu quả công tác tranh thủ cá biệt còn hạn chế. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo chưa kịp thời, nghiêm túc. Một số địa phương chưa có dự toán, đề xuất cụ thể trình UBND tỉnh cấp kinh phí cho lực lượng Công an để phục vụ công tác vận động tranh thủ cá biệt.
V.Tôn