Chủ động phòng chống bão lũ, thiên tai

Những ngày đầu tháng 9/2013, tại các tỉnh, nhất là khu vực miền núi phía Bắc nước ta, bão lũ, thiên tai đã gây nhiều hậu quả đáng tiếc về người và của. Tích cực khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động đề xuất các phương án đối phó cho mùa mưa bão còn tiếp diễn là những dấu ấn đáng ghi nhận tại các địa phương.


Sáng 9/9, gần một tuần sau khi học sinh cả nước đã bước vào năm học mới, lễ khai giảng mới được diễn ra tại Bản Khoang (Sa Pa, Lào Cai). Trận lũ quét kinh hoàng vừa đi qua đã để lại nhiều hậu quả đau lòng khiến hàng chục người thương vong. Lễ khai giảng đánh dấu sự gượng dậy của cuộc sống thường ngày nơi đây, đồng thời cũng là kết quả những nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn và sự chung tay gắng sức của cả cộng đồng.


Nhanh chóng khắc phục hậu quả


Trước đó, các đoàn công tác của Bộ GD - ĐT, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đã tới thăm, động viên các hộ gia đình, thầy, cô giáo bị nạn do lũ quét tại Bản Khoang. Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Bắc do đồng chí Trịnh Xuân Cừ - Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc và đồng chí Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đến thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn tại thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang. Ban Chỉ đạo Tây Bắc hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 3 triệu đồng/người, người bị thương 1 triệu đồng. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết và bị thương từ 1- 2 triệu đồng/người. Tính đến trưa 6/9, đã có gần 20 cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ người dân bị nạn thôn Can Hồ A với tổng số tiền gần 300 triệu đồng, gần 200 thùng mỳ tôm cùng chăn, màn, quần áo và lương thực, tấm lợp với mong muốn giúp bà con vượt qua những khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.


Đường vào nơi lũ quét thôn Cán Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai sau đợt lũ quét đầu tháng 9/2013. Ảnh Lục Văn Toán - TTXVN


Về phía địa phương, để đảm bảo cuộc sống của các hộ bị nạn, huyện Sa Pa tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn, màn; tìm mặt bằng sắp xếp các hộ dân, dựng lại nhà ở; khảo sát, lắp đường ống cấp nước sinh hoạt cho UBND xã Bản Khoang, trường học, phòng khám đa khoa khu vực, khu dân cư; thành lập các tổ thống kê thiệt hại cơ sở vật chất các công trình công cộng, tài sản, hoa màu, đất đai của người dân. Ngành Giao thông vận tải Lào Cai tích cực điều động tất cả các máy xúc, máy ủi đang thi công các công trình ở gần nơi xảy ra lũ quét, khẩn trương bốc xúc đất đá, cây gỗ rừng lớn để thông từng đoạn đường, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cứu hộ vào hoạt động.


Tại các tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, công tác khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua cũng đã được các địa phương triển khai rất kịp thời.


UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng các huyện, thị xã huy động lực lượng cùng toàn dân triển khai các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục hậu quả thiên tai giúp nhân dân khu vực bị sạt lở, lũ quét ổn định cuộc sống. Các cơ quan đoàn thể địa phương Lai Châu đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình có người chết, bị thương và hư hỏng nhà cửa; di chuyển khẩn cấp hơn chục hộ dân huyện biên giới Mường Tè và huyện Than Uyên nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; hót dọn sụt sạt, đảm bảo giao thông cho các tuyến giao thông; xử lý, khắc phục tạm thời các công trình thủy lợi để đảm bảo nước sản xuất. Tỉnh cũng đã lập phương án đầu tư để khôi phục lại các công trình phục vụ đời sống của nhân dân; tổ chức sản xuất, gieo trồng lại những diện tích nông nghiệp đã bị thiệt hại nhằm đảm bảo lương thực và sớm ổn định đời sống.


Lực lượng cứu hộ tìm kiếm tài sản của người dân xã Bản Khoang trong đống bùn đất.


Tại tỉnh trung du Vĩnh Phúc, tỉnh chỉ đạo khơi thông luồng tiêu, lắp đặt hệ thống trạm bơm tiêu dã chiến bơm nước tiêu úng để giúp dân nhanh chóng cứu diện tích lúa bị ngập úng. Vĩnh Phúc cũng yêu cầu UBND cấp xã chủ động kiểm tra, đôn đốc nhân dân khắc phục hậu quả sau thiên tai để sớm ổn định sản xuất. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng phương án và phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn bà con tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín, chăm sóc những diện tích lúa và hoa màu có khả năng phục hồi.


Ông Bùi Đức Tân, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cho biết: Tỉnh Phú Thọ đã triển khai phương án ứng trực kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ. Công ty TNHH nhà nước một thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ đã vận hành 17 trạm bơm với công suất 44.200m3/giờ. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện đã chỉ đạo các xã đóng mở kịp thời các cống dưới đê, tổ chức bơm tiêu đảm bảo tiêu thoát nước kịp thời tránh hiện tượng ngập úng lâu làm thiệt hại đến lúa và hoa màu của nhân dân, đồng thời huy động nhân dân tích cực khắc phục những diện tích lúa bị đổ. Các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê triển khai lực lượng, vật tư, phương tiện theo cấp báo động đã quy định; tăng cường tuần tra, canh gác, phát hiện sự cố đê, kè, cống và có biện pháp xử lý kịp thời.

Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang và Tuyên Quang tuần đầu tháng 9/2013 đã làm 25 người chết, làm nhà bị sập đổ, cuốn trôi, 139 nhà bị hư hỏng; gần 6.800 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Một số tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập nước, sạt lở gây ách tắc tạm thời. Theo thống kê sơ bộ, ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 39,2 tỷ đồng.


Cũng trong tuần đầu tháng 9, cơn mưa lớn kèm theo gió lốc mạnh quét qua nhiều xã của huyện Hiệp Đức khiến nhiều ngôi nhà của dân và hàng nghìn cây cao su đang trong thời kỳ thu hoạch mủ bị ngã đổ. Tổng thiệt hại ước tính ban đầu lên đến hàng chục tỷ đồng. Để hỗ trợ người dân sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, lãnh đạo huyện Hiệp Đức chỉ đạo các ban, ngành chức năng, đoàn thể trên địa bàn huyện tích cực huy động lực lượng dựng nhà tạm để người dân có nơi ở. Đoàn thanh niên cũng tích cực giúp người dân dựng lại nhà, lợp lại mái… nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả. Huyện đang huy động tối đa nhân lực để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai gây ra, tuyệt đối không để người dân bị đói.


Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 7/9, ủy ban MTTQ Thành phố Hồ Chí Minh và UBND huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) đã thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại về nhà cửa do ảnh hưởng của cơn mưa lớn, lốc xoáy xảy ra chiều tối ngày 6/9. Lãnh đạo Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi hộ có nhà bị sập hoàn toàn, 1 triệu đồng cho mỗi hộ có nhà bị tốc mái. UBND huyện Bình Chánh hỗ trợ những gia đình có nhà sập hoàn toàn 6 triệu đồng/hộ và mỗi hộ có nhà bị tốc mái là 500.000 đồng.


Chung tay cùng các địa phương, các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Đại tá Thái Minh Đường - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai cho biết, đơn vị đã điều động đến hiện trường vùng lũ quét tại bản Khoang (Lào Cai) hơn 50 người để tìm kiếm nạn nhân bị mất tích. Một tốp khác giúp đồng bào ổn định chỗ ăn, ở trước mắt. Đơn vị cũng chuẩn bị một số lều bạt dã chiến để dựng tạm cho bà con ở trong đêm. Công an tỉnh Lào Cai điều động hơn 30 chiến sỹ của Phòng cảnh sát PCCC dùng xe ô tô chuyên dụng đến thôn Can Hồ A cùng với lực lượng tại chỗ bốc xúc những đống đổ nát, bùn đất, dọn dẹp cây đổ, tháo dỡ nhà ở bị đổ hoặc bị vùi lấp và tìm kiếm tài sản cho người dân.


Lữ đoàn công binh 543, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 cho biết: Đêm 5/9 lũ lớn trên sông Thao (đoạn chảy qua địa bàn Cầu phao được lắp đặt thuộc địa bàn xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao và xã Hương Nộn, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ chảy siết làm đứt dây néo, cuốn trôi các phao thuyền PMP và các phương tiện, khí tài lắp ghép tạo thành cầu phao Phong Châu. Do nước sông lên cao nên vào thời điểm xảy ra sự cố, lực lượng công an, Thanh tra tỉnh Phú Thọ và các chiến sỹ thuộc Lữ đoàn 543 đã thông báo lệnh cắt cầu phao, không cho các phương tiện lưu thông nên đã không xảy ra thiệt hại về người và tài sản của người dân. Hơn chục cán bộ, chiến sỹ thuộc Lữ đoàn công binh 543 (Quân khu 2) đang thực hiện nhiệm vụ chống lũ, bảo vệ cầu không để bị cuốn trôi. Đến 12 giờ trưa 6/9, tất cả các phao thuyền PMP của cầu phao Phong Châu bị lũ cuốn trôi đã được lực lượng công binh lai dắt về khu vực tập kết và đang nhanh chóng chắp nối các phương tiện lưu thông trong thời gian sớm nhất, đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân.


Chiều 6/9, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định khẩn cấp cứu trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Hội trích Quỹ cứu trợ thiên tai hỗ trợ ban đầu cho gia đình có người bị chết tại hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Cứu trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ tỉnh Lào Cai 200 thùng hàng gia đình gồm: chăn, màn, thùng đựng nước, xoong, chảo, ấm đun nước... với tổng trị giá 100 triệu đồng. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các tỉnh phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương chủ động thăm hỏi, hỗ trợ người bị thương và gia đình sập nhà, tổ chức đoàn đi kiểm tra, khảo sát, nắm bắt tình hình thường xuyên báo cáo về Trung ương Hội để có kế hoạch hỗ trợ tiếp theo. Tại tỉnh Lào Cai, tỉnh hội đã đến thăm hỏi động viên và hỗ trợ gia đình có người bị chết 2 triệu đồng/người; hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai các mặt hàng thiết yếu mỳ tôm, quần áo, chăn, màn… Tại tỉnh Lai Châu, Hội Chữ thập đỏ cùng Ban Phòng chống lụt bão các cấp thăm hỏi cứu trợ 6 triệu đồng cho 3 gia đình có người bị chết. Hội Chữ thập đỏ huyện Phong Thổ (Lai Châu) cũng dành 5 triệu đồng hỗ trợ cho 1 cô giáo, 2 gia đình có người chết, 2 nhà bị hư hỏng. Trước những diễn biến bất thường của mưa lũ, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh đã cử tình nguyện viên Chữ thập đỏ đến vùng thiên tai ứng trực giúp dân sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm.


Có thể nói, những hỗ trợ kịp thời và tích cực của các địa phương, ban ngành, tổ chức là vô cùng thiết thực, và là nguồn động viên to lớn giúp người dân các địa bàn gặp thiên tai, bão lũ khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.


Tích cực phòng ngừa


Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa bão năm nay thời tiết diễn biến khá bất thường. Theo dự báo của Trung tâm, thời gian xuất hiện đỉnh lũ cao nhất năm 2013, trên các sông chính từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9 và 10; các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và 11; trên sông Tiền và sông Hậu và cuối tháng 9, đầu tháng 10… Trong những tháng tiếp theo của mùa mưa, bão lũ năm 2013, tình hình thời tiết, thuỷ văn trên cả nước sẽ còn diễn biến phức tạp. Lũ sẽ tương đối ác liệt và xuất hiện sớm, đặc biệt đối với vùng Trung Bộ, Tây Nguyên. Từ nay đến cuối mùa, các địa phương cần đề phòng lũ lớn, đặc biệt là các cơn lũ muộn.


Tại tỉnh Tuyên Quang, một trong những nơi chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, để chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, tỉnh Tuyên Quang đã quyết định đầu tư, hỗ trợ 6,6 tỷ đồng để thực hiện việc di chuyển 166 hộ dân đang sống ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn. Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng và thông tin, cảnh báo kịp thời cho nhân dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp đề phòng mưa to gây lũ quét, sạt lở đất và nước lũ lên nhanh ở ven sông, suối. Các địa phương chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện để di dời kịp thời nhân dân ra khỏi những nơi nguy hiểm; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trụ sở cơ quan, các công trình đang xây dựng trên địa bàn; tổ chức trực ban 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra…


Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên cho biết, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, mưa chưa dứt tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ, do đó, các địa phương trong tỉnh cần đề phòng sạt lở đất, đá tại vùng đồi núi, úng ngập tại khu vực trũng và chủ động điều tiết nước tại các hồ đập để phòng lũ.


Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh Nghệ An đang yêu cầu các ngành, địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa lũ; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở những vùng có nguy cơ lũ quét; quản lý chặt việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và các huyện duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân một số xã ở huyện Tương Dương, Công ty cổ phần thủy điện Bản Vẽ cũng đã quyết định xả lũ hồ thủy điện Bản Vẽ nằm trên địa bàn huyện Tương Dương. Việc xả lũ được báo trước 24 giờ để người dân di dời nhà cửa, đồ đạc, các lồng bè nuôi thủy sản lên cao.


Tại tỉnh Đồng Tháp, nơi đang vào mùa lũ, các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông thủy đang được ngành chức năng tập trung thực hiện như: tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các bến đò ngang bảo đảm phục vụ an toàn; yêu cầu chủ các bến đò ngang khi hoạt động phải đảm bảo số lượng thuyền viên để bố trí, sắp xếp hành khách, trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ cần thiết, hành khách qua đò phải mặc áo phao để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy trọng điểm như: sông Tiền, sông Hậu, các tuyến kênh trục xuyên Đồng Tháp Mười... và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.


Ngày 9/9, Bộ Y tế cho biết: Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo sở y tế các địa phương bị ảnh hưởng tiếp tục tập trung cứu chữa người bị nạn; hướng dẫn nhân dân cách vệ sinh, an toàn thực phẩm, khử trùng nguồn nước, phòng tránh bệnh truyền nhiễm; triển khai ngay các biện pháp ngăn ngừa và kịp thời xử lý các ổ dịch, bệnh phát sinh. Đồng thời, cùng chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục trạm y tế bị hư hại và đưa vào hoạt động, góp phần để nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt.


Cùng với các ngành sản xuất khác như nông nghiệp, thủy sản, đối với ngành điện, việc chuẩn bị phòng chống bão lũ là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Công tác duy trì, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa, tiến hành chặt cây cối, chặt cành… trước mỗi mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn - vốn là nhiệm vụ thường xuyên được các đơn vị điện lực đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, trước mùa bão lũ, các đơn vị luôn luôn có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát an toàn hồ đập, các điều kiện trên lưu vực, tránh trường hợp “trở tay không kịp” khi lũ đến.


Hy vọng, với sự chủ động của mình, các địa phương, của nhân dân và tất cả các ngành, các cấp, thời gian tới, sẽ ứng phó kịp thời trước những diễn biến bất thường của thiên tai.


PVH- TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN