Các chuyên gia về
hạt nhân Hàn Quốc ngày 14/2 cho biết họ không phát hiện thấy bất cứ chất phóng
xạ nào từ vụ thử hạt nhân ngày 12/2 của CHDCND Triều Tiên. Đây là kết luận
làm tiêu tan mọi nỗ lực ban đầu nhằm xác định bản chất của thiết bị nổ.
Binh sĩ Hàn Quốc diễn tập quân sự tại Paju, gần khu phi quân sự với CHDCND Triều Tiên ngày 13/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các tàu chiến và
máy bay của lực lượng không quân Hàn Quốc được trang bị thiết bị dò tìm có độ
nhạy cao đã được triển khai sau vụ thử hạt nhân thứ ba của Bình Nhưỡng nhằm
tìm kiếm và thu thập mọi dấu tích của chất phóng xạ. Tuy nhiên, Ủy ban An ninh
và An toàn hạt nhân Hàn Quốc cho biết đến nay đã phân tích 8 loại mẫu thu thập
từ đất, nước biển và không khí nhưng "chưa phát hiện thấy đồng vị phóng xạ
nào".
Mục tiêu của chiến dịch này là đưa khí xenon phát tán trong
vụ thử hạt nhân đi phân tích để xác định nguyên liệu phân tách nào đã được sử
dụng.
Cùng ngày, Bộ Môi
trường Trung Quốc ra tuyên bố cho biết một số đơn vị giám sát phóng xạ đã được
cử đi theo dõi và đánh giá tình hình môi trường ở khu vực Đông Bắc nước này sau
vụ thử ngày 12/2. Tính đến 10 giờ sáng 13/2, bộ trên thông báo vẫn chưa phát
hiện chất phóng xạ nào, nhấn mạnh rằng môi trường ở Trung Quốc không bị ảnh
hưởng sau vụ thử hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng.
Các tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh ở Đông Bắc Trung Quốc
giáp giới với Triều Tiên.
Sau khi Triều Tiên
thực hiện vụ thử hạt nhân, một trong những mối quan tâm hàng đầu của
thế giới là xác định chính xác bản chất và quy mô vụ thử để từ
đó xác định mức độ công nghệ mà chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng
đã đạt được. Giới chuyên gia rất muốn biết phải chăng Triều Tiên đã
chuyển được từ plutonium, dùng trong các vụ thử năm 2006 và 2009, sang
chương trình phát triển vũ khí hạt nhân sử dụng uranium làm giàu ở
mức độ cao.
Trong khi các số
liệu địa chấn có thể giúp làm sáng tỏ cơ bản sức công phá của vụ
thử (ước tính từ 6.000-7.000 tấn thuốc nổ), chất phóng xạ thu thập
được sẽ hé lộ nhiều về nguyên liệu phân tách đã được dùng.
Tuy nhiên, nếu vụ thử dưới hầm ngầm này được khống
chế tốt, sẽ có rất ít hoặc thậm chí không có phóng xạ rò rỉ vào
không khí. Thậm chí nếu có sự rò rỉ này, giới khoa học nhấn mạnh
là phải rất may mắn mới thu thập được.
Sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên năm 2009, bên ngoài
cũng không phát hiện được khí Xenon phát tán.
Hàn Quốc diễn tập
quân sự
Ngày 14/2, các
phương tiện truyền thông đưa tin Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập quân
sự trong bối cảnh gia tăng căng thẳng xung quanh vụ thử hạt nhân của Triều
Tiên. Hải quân Hàn Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận bốn ngày trên các vùng
biển ngoài khơi bờ biển phía Tây và Đông bán đảo Triều Tiên.
Cuộc tập trận này, với sự tham gia của khoảng 20 tàu chiến
trong đó có các tàu khu trục lớp Aegis và tàu ngầm, nhằm ngăn chặn bất cứ hành
động khiêu khích nào trong tương lai của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Lực lượng Không quân, đã tiến hành một cuộc tập
trận bốn ngày riêng rẽ hôm 12/2, đang tiến hành tập trận chung trên không với
các lực lượng Mỹ.
Lục quân Hàn Quốc
có kế hoạch tập trận bắn đạn thật từ ngày 15/2 gần biên giới với Triều Tiên,
huy động nhiều pháo tự hành K9 và các hệ thống phóng rốckét đa năng. Trước đó,
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố một đoạn băng phô diễn sức mạnh của các tên
lửa hạm đối đất tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ Triều Tiên.
Bộ này cũng cam kết nhanh chóng phát triển các tên lửa đạn
đạo với tầm bắn 800 km để đối phó với các mối đe dọa an ninh từ Bình Nhưỡng.
Trong một động
thái khác, ngày 14/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì
đã điện đàm với người đồng cấp bên phía Nga là Ngoại trưởng Sergey
Lavrov để thảo luận về vụ thử hạt nhân vừa qua của Triều Tiên. Hai
bên cũng trao đổi quan điểm về tình hình hiện nay trên bán đảo Triều
Tiên, nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ về vấn đề này.
TTXVN/Tin tức