Chứng khoán châu Á bừng sắc xanh

Một loạt các sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt của thị trường châu Á (trừ thị trường chứng khoán Hong Kong) đã hoạt động trở lại trong phiên giao dịch ngày 7/4, sau chuỗi ngày nghỉ lễ kéo dài từ cuối tuần trước. 


Các chỉ số đều khép lại phiên giao dịch ngày 7/4 trong "sắc xanh". Ảnh minh họa


Hầu hết các chỉ số đều khép lại phiên này trong "sắc xanh". Đây được coi là phản ứng đầu tiên của thị trường chứng khoán châu Á trước báo cáo việc làm kém lạc quan của Mỹ trong tháng 3/2015, bởi thị trường việc làm yếu kém sẽ làm chậm lại kế hoạch nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và giúp cổ phiếu hưởng lợi. Hiện giới đầu tư đang nóng lòng đón chờ biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 8/4.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, đồng yen suy yếu và diễn biến tích cực của Phố Wall trong đêm trước đã giúp chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 242,56 diểm, tương đương 1,25%, lên 19.640,54 điểm. Trong khi đó, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng tiến 27,4 điểm (0,46%), lên 5.926 điểm. Còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc chỉ "nhích" nhẹ 0,6 điểm, lên 2.047,03 điểm. Đáng chú ý là giá cổ phiếu của tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc là Samsung lại "tụt" thấp, bất chấp những dự báo tích cực về lợi nhuận quý I/2015.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán Thượng Hải cũng khởi sắc nhờ hy vọng Chính phủ nước này sẽ đưa ra thêm các chính sách nới lỏng tiền tệ. Đóng cửa phiên, chỉ số Shanghai Composite ghi thêm 97,45 điểm (2,52%), lên 3.961, điểm, đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 14/3/2008, với khối lượng giao dịch đạt 746,4 tỷ NDT.

Trong phiên giao dịch tiền tệ cùng ngày, đồng USD đã phục hồi đi lên so với đồng yen, sau khi chứng kiến hoạt động bán ra mạnh hồi cuối tuần trước do báo cáo việc làm gây thất vọng của Mỹ.

Tính tới cuối phiên này, tại thị trường Tokyo, đồng USD giao dịch ở mức 119,56 yen/USD, tăng so với mức tương ứng ghi nhận trong phiên giao dịch đêm trước (6/4) tại New York là 119,52 yen/USD, đồng thời bỏ xa mức 119,05 yen/USD vào đầu phiên hôm qua tại thị trường châu Á.

Xu hướng mua vào của các nhà nhập khẩu Nhật Bản chính là nhân tố chủ lực giúp đồng bạc xanh phục hồi trong phiên này. Tuy nhiên, đà tăng của đồng tiền Mỹ vẫn bị hạn chế do số liệu mới đây cho thấy hoạt động của khu vực dịch vụ tại Mỹ đang có xu hướng giảm, cũng như nhận định của Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York, William Dudley, rằng "sức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ còn khá yếu", càng khiến những hy vọng về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm nâng lãi suất thêm mong manh.


Ngày 3/4 vừa qua, Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo chính thức cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo thêm được 126.000 việc làm mới thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng Ba, thấp hơn một nửa so với mức tương ứng của tháng Hai, và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2013. Kết quả này cũng này đã chấm dứt chuỗi 12 tháng liên tiếp nền kinh tế Mỹ tạo được trên 200.000 việc làm mỗi tháng. Giới phân tích cho rằng các số liệu kém lạc quan trên có thể làm chậm lại kế hoạch nâng lãi suất của Fed, vốn được dự đoán sẽ diễn ra vào tháng Sáu hoặc tháng Chín năm nay, qua đó tạo áp lực giảm giá lên đồng USD.

Trong khi đó, đồng euro lại đi lên so với cả đồng yen và đồng USD khi giao dịch ở mức 1,0936 USD đổi 1 euro và 130,61 yen đổi 1 euro, lần lượt tăng so với các mức 1,0928 USD/euro và 130,60 yen/euro của phiên trước. Nguyên nhân khiến đồng nội tệ Nhật Bản lùi bước trước đồng tiền chung châu Âu trong phiên này là do giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này. Số liệu mới nhất chỉ ra rằng tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản trong tài khóa 2014 (kết thúc ngày 31/3/2015) gần như không biến động so với tài khoá trước đó. Thông tin này khiến nhiều người dự đoán rằng Chính phủ nước này sẽ tiếp tục đưa ra thêm các chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới nhằm đẩy lùi tình trạng giảm phát.

Khép lại phiên giao dịch 7/4, đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như đồng rupee của Ấn Độ, đồng SGD của Singapore, đồng TWD của vùng lãnh thổ Đài Loan, đồng rupiah của Indonesia, đồng baht của Thái Lan và đồng peso của Philippines. Tuy nhiên, đồng tiền Mỹ lại đi xuống so với đồng AUD của Australia, sau khi Ngân hàng trung ương nước này vừa quyết định duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục tại cuộc họp chính sách cùng ngày.


Minh Trang
(Theo AFP)
Thị trường bất động sản, chứng khoán hồi phục
Thị trường bất động sản, chứng khoán hồi phục

Với xu thế phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế, nhiều chuyên gia nhận định các thị trường như BĐS, chứng khoán… đều có thể tăng trở lại trong năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN