Chứng khoán Mỹ 'lình xình' hậu QE3

Diễn biến trồi sụt thất thường đã đeo bám Phố Uôn trong cả tuần giao dịch qua, khi mà sự hứng khởi mang tên QE3 từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã dần lắng dịu, thay vào đó là mối lo ngại và tâm lý thận trọng của giới đầu tư trước triển vọng “u ám” của kinh tế Mỹ và các báo cáo lợi nhuận gây bất an của nhiều doanh nghiệp nước này.

Chứng khoán Mỹ 'lình xình' sau thông báo QE3 của Mỹ.


Mở đầu tuần (ngày 17/9), thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ đảo chiều đi xuống, giữa lúc những lo ngại về hoạt động sản xuất yếu kém của Mỹ đang ngày một gia tăng, sau khi chi nhánh của FED tại Niu Yoóc công bố báo cáo cho thấy chỉ số sản xuất của Niu Yoóc trong tháng 9/2012 đã giảm 5 điểm xuống còn -10,4 điểm, đánh dấu tháng giảm điểm thứ hai liên tiếp của chỉ số này. Chỉ số đơn đặt hàng mới của Niu Yoóc trong cùng kỳ cũng giảm 9 điểm, xuống -14 điểm, mức thấp nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Thêm vào đó, sự gia tăng các vụ tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên căng thẳng hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu đang suy yếu, cũng tác động tiêu cực tới thị trường cổ phiếu Mỹ.

Tuy nhiên, bất chấp xu hướng giảm chung của các mã cổ phiếu khác, giá cổ phiếu của tập đoàn máy tính Apple vẫn ngược dòng đi lên sau khi cho ra mắt iPhone 5 và xác lập kỷ lục đơn đặt hàng mới, với 20 triệu đơn đặt hàng iPhone 5 chỉ sau 24 giờ lên kệ. Đóng cửa phiên giao dịch 17/9, cổ phiếu của Apple tăng 1,2%, lên mức 699,78 USD/cổ phiếu.

Diễn biến ảm đạm của chứng khoán Mỹ tiếp tục kéo dài sang ngày giao dịch sau đó, do mối lo ngại ngày một gia tăng về lợi nhuận quý III/2012 của các doanh nghiệp Mỹ. Theo ước tính của hãng tin Reuters, lợi nhuận quý III của khối doanh nghiệp Mỹ sẽ giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2011, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên trong vòng 3 năm qua.

Tuy nhiên, tới phiên 19/9, “sắc xanh” đã trở lại trên Phố Uôn dù mức tăng vẫn còn khá khiêm tốn, khi tâm lý của nhà đầu tư đã được cải thiện phần nào từ số liệu khá tích cực của thị trường nhà đất Mỹ, cũng như việc giá dầu thô giảm, làm dấy lên hy vọng về tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Báo cáo mới đây của Hiệp hội các nhà bất động sản quốc gia Mỹ cho hay doanh số bán nhà lại tại nước này trong tháng 8/2012 đã tăng 7,8% so với tháng 7, mức tăng nhanh nhất trong vòng 2 năm qua. Đây là dấu hiệu chứng tỏ sự hồi phục của thị trường nhà ở tại Mỹ đang đi đúng hướng.

Ngoài ra, một nhân tố khác cũng ảnh hưởng tích cực tới thị trường cổ phiếu Mỹ trong phiên này là việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định mở rộng chương trình mua tài sản thêm 10.000 tỷ yên, đồng thời duy trì lãi suất chủ chốt từ 0 - 0,1%, nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Mặc dù vậy, trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (20 và 21/9), xu hướng tăng giảm trái chiều lại diễn ra tại các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, chủ yếu là do một vài số liệu kinh tế đáng thất vọng của cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, cùng với sự khan hiếm các thông tin nhằm giúp giới đầu tư tìm ra định hướng kinh doanh cụ thể.

Chốt phiên giao dịch 21/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 17,46 điểm, tương đương 0,13%, xuống 13.579,47 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ nhẹ 0,11 điểm (0,01%), đóng cửa ở mức 1.460,15 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite lại tăng 4 điểm (0,13%), lên mức 3.193,24 điểm. tính chung cả tuần này, Dow Jones Industrial Average mất 0,1%, S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lần lượt hạ 0,4% và 0,13%.

Theo dự kiến, một số báo cáo kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ tiếp tục được công bố vào tuần tới như chỉ số lòng tin tiêu dùng; thu nhập và chi tiêu tiêu dùng cá nhân, góp phần định hướng thị trường chứng khoán toàn cầu, trong bối cảnh hầu hết các thể chế tài chính lớn đang nỗ lực đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế mới.


Minh Trang (Tổng hợp)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN