Hàng loạt thị trường chứng khoán trên khắp thế giới trong phiên giao dịch ngày 18/3 đã đồng loạt giảm điểm trước thông tin chính phủ Síp sắp sửa đánh thuế tiền gửi vào ngân hàng, một giải pháp “cực chẳng đã” nhằm thỏa mãn điều kiện của gói cứu trợ 10 tỉ euro từ Liên minh châu Âu (EU).
Thị trường hoảng loạn
Các sàn chứng khoán trên thị trường châu Á đã lao dốc trong phiên giao dịch ngày 18/3 do những lo ngại trước động thái mới của Síp. Cụ thể, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) lúc đóng cửa giảm 1,8%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 2/1 và là mức giảm theo ngày mạnh nhất tính từ cuối tháng 7/2012. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 340,32 điểm (2,71%) chốt ở mức 2.240,02. Tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai giảm , điểm xuống mức 2.240,02.
Người dân Síp đổ xô đi rút tiền ngay khi biết kế hoạch đánh thuế tiền gửi của chính phủ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại châu Âu, các thị trường cũng có phản ứng tiêu cực tương tự. Tới cuối phiên giao dịch sáng 18/3, chỉ số chứng khoán châu Âu FTSEurofirst 300 phục hồi nhẹ so với đầu phiên nhưng vẫn giảm 0,8%. Các chỉ số FTSE 100 tại Luân Đôn, DAX tại Frankfurt, CAC - 40 tại Pari đều giảm lần lượt 0,8%, 1% và 1,4%.
Thị trường Mỹ mở cửa phiên 18/3 cũng không thoát khỏi tình trạng sụt giảm chung. Chỉ số S&P500 giảm 12,6 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones rơi 61 điểm và chỉ số Nasdaq 100 mất 18,5 điểm.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tăng giá 0,45% so với euro. Trong khi đó, giá dầu thô Mỹ và Brent đều giảm mạnh: giá dầu Brent giảm 1,7 USD/thùng, xuống còn 108,12 USD/thùng, giá dầu thô Mỹ giảm 1,1 USD, còn 92,35 USD/thùng. Giá vàng, một tài sản “trú ẩn” an toàn khác, có thời điểm trong ngày 18/3 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần qua, đạt 1.608,30 USD/ounce, trước khi ổn định ở 1.601,60 USD/ounce, tăng 0,6%.
Làn sóng bất ổn từ Síp
Kế hoạch đánh thuế 6,75% cho mỗi cá nhân gửi tài khoản dưới 100.000 euro và 9,9% cho những người sở hữu tài khoản trên 100.000 euro nhằm huy động 5,8 tỉ euro là một trong những yêu cầu bắt buộc chính phủ Síp phải thực hiện để có được gói cứu trợ trị giá 10 tỉ euro của EU. Đây cũng là lần đầu tiên EU đề nghị sử dụng tiền gửi của dân như một nguồn cứu trợ. Đối với các quốc gia khác trong 3 năm qua, như Hy Lạp, Ailen hay Bồ Đào Nha, cơ quan này chỉ đòi hỏi thắt chặt ngân sách.
Ngay khi biết tin về kế hoạch đánh thuế tiền gửi, người dân đã chen nhau xếp hàng bên ngoài các trạm ATM khiến nhiều điểm rút tiền tự động cạn sạch tiền mặt từ hai ngày cuối tuần vừa qua.
Cuộc họp của Quốc hội Síp dự kiến diễn ra vào hôm nay, 19/3, nhằm quyết định các điều kiện đổi lấy gói cứu trợ từ EU đã được hoãn sang ngày 20/3. Trước khi Quốc hội đưa ra quyết định cuối cùng, chính phủ Síp đã cố gắng bảo vệ người gửi tiết kiệm quy mô nhỏ bằng một đề xuất mới. Theo đó, các mức thuế sẽ được chia làm ba, thay vì hai như trước, trong đó, những người có tài khoản dưới 100.000 euro sẽ chịu thuế 3%, từ 100.000 - 500.000 euro chịu thuế 10% và trên 500.000 euro là 15%.
Tổng thống Nicos Anastasiades giải thích đây là một phương án “đau lòng” nhưng cũng là lựa chọn duy nhất để cứu lấy nền kinh tế nước này, nếu không hàng loạt ngân hàng, công ty và các cá nhân sẽ bị phá sản.
Tuy Síp chỉ là một thị trường nhỏ, nhưng động thái nói trên đã khiến giới đầu tư lo ngại rằng đánh thuế tiền gửi sẽ tạo nên một tiền lệ rất xấu cho Eurozone, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngân hàng trong khu vực. Người gửi tiền ở các quốc gia khác vốn đang chìm trong nợ nần cũng sẽ lo lắng và có thể chuyển tiền đến nơi an toàn hơn.
Ông David Kotok, Chủ tịch công ty Cumberland Advisors (Mỹ) , đã ví quyết định nói trên với việc “châu Âu tự bắn vào chân mình”, bởi “không một người nhạy cảm nào có thể tiếp tục cất giữ tiền của họ trong một hệ thống ngân hàng giữ lại 10% số tiền của họ mà không hề thông báo trước”.
H.T - T.H