Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 có gì mới?

Hỏi: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 có gì mới?

 

Trả lời: Với mục tiêu giảm nghèo hiệu quả hơn, ngày 19/5/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020.


Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ, ngày 31/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Khung kế hoạch triển khai Nghị quyết 80, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, tiến độ của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo để tổ chức thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP. Tiếp đó, ngày 8/10/2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, bao gồm mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được đến năm 2015.


Đối tượng của Chương trình là người nghèo, hộ nghèo; ưu tiên người nghèo là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư trên địa bàn trọng điểm sau là các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Chương trình được thiết kế thành 4 nhóm dự án, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình khoảng 27.509 tỷ đồng.


Một số điểm mới trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 là: Trung nguồn lực cho các địa bàn nghèo, hạn chế sự chồng chéo trong tổ chức thực hiện của giai đoạn trước. Chương trình chỉ có các dự án, không bao gồm các chính sách giảm nghèo; các chính sách giảm nghèo được thiết kế trong khung Nghị quyết 80, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, nhằm bảo đảm tính hệ thống và nhất quán trong xây dựng, thực hiện chính sách. Nguồn lực đầu tư cho Chương trình được Quốc hội, Chính phủ xác định, cân đối cho cả giai đoạn, là có sở để thực hiện cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương. Chương trình nhấn mạnh, khuyến khích sáng kiến của các địa phương, cơ sở trong việc tìm ra các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo có hiệu quả, thông qua việc tổng kết, nhân rộng các mô hình giảm nghèo thành công trong giai đoạn trước do các địa phương, tổ chức đoàn thể, các tổ chức quốc tế đã thực hiện. Cơ chế thực hiện Chương trình được thiết kế theo hướng: Tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân, bảo đảm công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN