Chuyện mừng thọ ở quê tôi có từ rất lâu rồi. Trước, khi các nhà còn nghèo thì chuyện mừng thọ cũng đơn giản. Chẳng thế mà suốt hơn chục năm làm dâu ở làng, tôi có mấy khi được mời đến ăn cỗ mừng thọ đâu. Dăm năm trở lại đây, người làng khấm khá hơn, lại thêm phong trào làng văn hóa, nếp sống văn minh... nên con cháu trong làng càng được dịp bày tỏ tấm lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Cách thức thì đương nhiên là rất văn hóa, văn minh rồi. Người ta chọn một ngày bất kỳ nào đó vào dịp đầu tháng Giêng để tổ chức mừng thọ chung cho các cụ trong làng. Ví dụ, ngày mùng 6 là các cụ 90 tuổi, mùng 8 là cho các cụ 80 và ngày mùng 10 là dành cho các cụ 70 tuổi chẳng hạn. Ngoài ra, các cụ tuổi lẻ như 75, 85, 95 cũng tổ chức nhưng quy mô nhỏ hơn. Dù nhà giàu hay nghèo, dù nhà khá giả hay bình thường thì các cụ đến tuổi được mừng thọ đương nhiên đều được nhớ đến. Các nhân vật chính được mời ra đình làm lễ, sau đó các cụ tập trung ở hội trường, liên hoan bánh kẹo, xem hát quan họ và sau đó nhận bằng. Những hôm ấy, cả làng tôi rộn rã, tấp nập hơn hẳn. Ô tô, xe máy nườm nượp như trảy hội.
Nhưng đó mới là khâu lễ. Khoản nghĩa thường thì có phần rườm rà hơn và thường được bày vẽ ở nhà riêng. Nếu như ở đình làm lễ mừng thọ thì ở làng người ta lại tổ chức tiệc gọi là khao thọ. Trước hôm khao, nhà ai làm to thì sẽ bắc rạp, thuê bàn ghế, chuẩn bị bánh kẹo, trà thuốc để tiếp bà con trong làng đến chơi, thăm hỏi. Hôm sau, cả đại gia đình sẽ dậy từ sớm để chuẩn bị đồ cúng mang ra đình làm lễ, bao gồm mâm xôi, con gà (hoặc thủ lợn), bánh kẹo, trà, thuốc, rượu, trái cây... Thường thì đại đa số con cháu sẽ cùng cụ ra đình, những người ở nhà sẽ chịu trách nhiệm làm cỗ. Có nhà nhẹ nhàng thì chỉ làm dăm mâm cơm con cháu liên hoan song cũng không ít đám mổ lợn, giết gà linh đình. Thậm chí những nhà khá giả còn đặt vài chục mâm cỗ trịnh trọng hệt như cỗ cưới.
Vào những ngày làng tổ chức mừng thọ, không ít gia đình phải đi ăn cỗ chạy sô vì hôm ấy trong làng nhiều đám khao quá. Có người được mời tới 4, 5 đám nên cả nhà phải phân công nhau đi may ra mới hết, chưa kể có người một buổi sáng phải ăn tới 3 đám cỗ. Vui thì cũng có vui song mệt cũng không phải ít. Nói là ăn khao nhưng ai đi ăn cũng đều phải chuẩn bị quà mừng, quà biếu. Người thì mua tranh sơn mài, người thì đồ lưu niệm, nhưng chủ yếu là mang phong bì. Sau mỗi đám khao, có nhà được nhận tới vài chục bức tranh chúc thọ mà chẳng biết treo đâu cho xuể, cuối cùng đành xếp gọn thành một chồng cho gọn mà chẳng có nổi một lần mang ra ngắm. Tôi được biết có cụ đến tuổi khao thọ nhưng ốm yếu từ rất lâu nhưng con cháu vẫn tổ chức linh đình dù nhân vật chính đang nằm liệt giường.
Không ít cụ già ngày thường đau yếu, bệnh tật có khi chẳng được chăm nom thuốc thang tử tế nhưng ngày mừng thọ cũng vẫn được oách như ai, con cháu cũng vẫn được tiếng thơm hiếu thuận. Phần lớn các cụ già đến tuổi được mừng thọ đều vui khi được con cháu quan tâm, bày tỏ tấm lòng hiếu thuận nhưng cũng không ít cụ rất ngại cảnh bày vẽ cỗ bàn ồn ào. Khỗ một nỗi việc khao thọ giờ đã thành lệ làng nên không làm không ổn. Đó là chưa kể tới việc không ít nhà “tức nhau tiếng gáy” nên dù khó khăn, bận rộn đến đâu cũng phải cố mà làm để được tiếng thơm và cũng bõ cái công kể cả. Sau mỗi lần mừng thọ, làng tôi có ối chuyện để bàn ra tán vào cả năm chẳng hết. Nào là nhà ông A... con cái làm to nên lắm quan khách đến, nhà bà B... con cái hào phóng bỏ tiền ra thuê hẳn một gánh quan họ Bắc Ninh tài trợ cả làng, nhà ông C... giàu thế mà làm cỗ úi xùi... Chao ôi, hàng trăm câu chuyện đủ để nhức đầu cả làng cũng chỉ vì cái chuyện khao thọ mỗi dịp đầu năm.
Đành rằng “Phú quý sinh lễ nghĩa” là chuyện khỏi bàn nhưng lễ và nghĩa thế nào mà vẫn đủ, vẫn đầy trong lòng mỗi người e là điều thật khó để giải thích hết ở quê tôi. Gia đình may mắn, phúc đức thì còn có cụ, có ông bà và con cháu nào chẳng muốn ông bà, cha mẹ mình khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi. Làm sao để ông bà, cha mẹ khỏe mạnh, vui vẻ âu cũng là tâm nguyện muôn đời của những con cháu hiếu thuận và việc báo hiếu đâu chỉ có một ngày ồn ào như thế?
Trần Hiếu