Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết việc ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng, muốn phòng chống thiên tai hiệu quả thì lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai phải được chuyên nghiệp hóa.
Cán bộ kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn
Theo ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, hiện ở cấp huyện và cấp cơ sở, thậm chí là ở cấp tỉnh, cấp Trung ương, hầu hết những người làm công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đều là cán bộ kiêm nhiệm. Ở tuyến cơ sở, nhiều cán bộ thiếu chuyên môn nghiệp vụ nên hiệu quả công tác chưa cao. Bên cạnh đó, việc luân chuyển thường xuyên cán bộ làm công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai ở địa phương cũng gây khó khăn cho việc đào tạo, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn. Cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa có chế độ chính sách khuyến khích, động viên cán bộ làm công tác này, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở.
Lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh chủng Công binh tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN |
Các địa phương cũng chưa có lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên trách, chủ yếu dựa vào đội xung kích, tình nguyện viên. Khi xảy ra thiên tai lớn, vượt quá khả năng của địa phương, thì lực lượng vũ trang (quân đội, công an) được huy động với vai trò chủ lực, trong khi lực lượng này cũng không có chuyên môn về cứu hộ, cứu nạn. Ở nhiều nước, lực lượng tìm kiếm cứu nạn được tổ chức chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản nên việc ứng cứu mang lại hiệu quả cao.
Ngoài khó khăn về nguồn nhân lực, theo phản ánh của nhiều địa phương, ngân sách chi thường xuyên hàng năm không có danh mục chi cho các hoạt động phòng chống lụt bão.
Ông Khuê phân tích, thực trạng này khiến cho công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn ở nước ta còn nhiều hạn chế. Do vậy, theo ông Khuê, việc xây dựng lực lượng, cơ quan chuyên trách về vấn đề này là rất cần thiết.
Trước mắt, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã đề xuất với Bộ Nội vụ tiến hành khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ cấp huyện và cấp cơ sở làm công tác phòng chống lụt bão. Trên cơ sở đó, Bộ ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành quy định với mỗi huyện thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai được phân bổ ít nhất một chỉ tiêu biên chế chuyên trách công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.
Quân đội tổng lực tìm kiếm cứu nạn
Trong 5 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 814 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố, tăng 260 vụ, làm chết 162 người, giảm 14%, mất tích 11 người, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam đã huy động gần 28.000 lượt người, 673 lượt phương tiện các loại tham gia ứng phó khắc phục thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn; kêu gọi, hướng dẫn 156.816 phương tiện với gần 750.000 ngư dân biết diễn biến thời tiết nguy hiểm và phòng tránh an toàn. |
Trung tướng Trần Quang Khuê khẳng định, trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, lực lượng vũ trang (quân đội, công an) luôn đóng vai trò nòng cốt. “Tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình”, ông Khuê nhấn mạnh.
Để lực lượng này làm tốt vai trò nòng cốt, hướng đến sự chuyên nghiệp, Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Ủy viên thường trực, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết: Hiện Ủy ban đang xây dựng đề án thành lập Trung tâm đào tạo, huấn luyện gắn với xây dựng thao trường tổng hợp phục vụ công tác huấn luyện tìm kiếm cứu nạn; xây dựng Trung tâm quốc gia điều hành quản lý, ứng phó với thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.
Ông Giang cho biết thêm, trước mắt, Ủy ban sẽ chỉ đạo tỉnh Quảng Nam phối hợp với Quân khu 5 tổ chức diễn tập ứng phó với động đất và tìm kiếm cứu nạn tại tỉnh này vào tháng 7 tới; chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương diễn tập chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn sự cố cháy nhà cao tầng tại TP Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang cũng cho biết, hiện nay, nhiều địa phương giao cho Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ trực khi có bão, lực lượng, phương tiện hạn chế, tổ chức không chặt chẽ. Do vậy, ông Giang đề nghị Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chỉ đạo các địa phương giao cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố là cơ quan thường trực bởi các đơn vị này có người trực 24/24 giờ; có lực lượng, phương tiện, có thể kịp thời xử lý các tình huống thiên tai.
Huyền Tím