Câu chuyện kỳ thú này xảy ra tại làng Nagoro nằm sâu trong khu vực đồi núi ở miền nam Nhật Bản, nơi từng là quê hương của hàng trăm gia đình nhưng hiện chỉ còn 35 người bám trụ lại. Khắp các ngõ ngách trong ngôi làng heo hút là những hình nộm với số lượng đông gấp 3 số cư dân.
Bà Tsukimi Ayano, 65 tuổi, là một trong những công dân... trẻ tuổi tại làng Nagoro và là tác giả của những hình nộm có kích thước như người thật trên. Sau hàng thập kỷ ly hương, bà Ayano quyết định chuyển về Nagoro từ Osaka, thành phố lớn thứ ba Nhật Bản, để chăm sóc người cha 85 tuổi.
Những “công dân” hình nộm của làng Nagoro. Ảnh: AP |
Nói về lý do tạo ra các hình nộm, bà Ayano bộc bạch: “Chúng gợi lại cho tôi những kỷ niệm”. Đối với bà, các hình nộm chính là sự thay thế cho cư dân nơi đây, những người đã khuất núi hoặc rời đi nơi khác.
Câu chuyện khởi nguồn từ cách đây 13 năm, khi bà Ayano mới hồi hương và quyết định bắt tay làm nghề nông. Cho rằng hạt giống củ cải có thể đã bị quạ ăn, bà Ayano bắt đầu làm hình nộm để dọa và xua đuổi lũ quạ. Từ đó đến nay đã có khoảng 100 hình nộm rải rác khắp Nagoro và các làng mạc gần đó. Không chỉ "nhóm họp" tại trang trại của bà Ayano, các hình nộm còn "thơ thẩn" khắp các hàng rào, gốc cây, trạm dừng xe buýt... ở Nagoro.
Mỗi hình nộm lại có một biểu hiện khuôn mặt và trang phục riêng không hề giống nhau. Có hình nộm lim dim ngủ với đôi mắt nhắm nghiền, có hình nộm lại đang làm ruộng... Những hình nộm của bà Ayano hiện đã trở thành điểm thu hút du khách tới chụp ảnh lưu niệm khi họ đi qua con đường núi khúc khuỷu gần làng Nagoro.
Hơn 10.000 thị trấn và ngôi làng tại Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng có thể không có cư dân. Hiện tượng này bắt nguồn từ tình trạnh dân số già hóa và tỉ lệ sinh thấp trong thời gian qua tại đất nước Mặt Trời mọc. |
Nagoro là trường hợp điển hình trong số hàng nghìn ngôi làng và thị trấn “ma” ở Nhật Bản - nơi hầu hết bị bỏ hoang hoặc có số cư dân thưa thớt, nhà cửa xơ xác hoặc luôn đóng cửa im lìm. Theo hãng tin AP, hiện nay trên khắp Nhật Bản có khoảng 8,2 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang.
Tình trạng dân số ngày càng suy giảm đã trở thành một thách thức vô cùng to lớn của Nhật Bản. Vấn đề “hồi phục cư dân” đã làm rối trí các chính phủ nước này trong hàng thập kỷ qua. Tình trạng kỳ lạ như ở ngôi làng Nagoro xảy ra tại vùng nông thôn chính là hệ quả của thành tựu kinh tế Nhật Bản. Khi nền kinh tế có bước phát triển thần tốc sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, thanh niên Nhật Bản đua nhau đổ về thành phố để tìm việc, để lại những người già cả ở vùng nông thôn. Hiện nay dân số tại Tokyo là hơn 13,35 triệu người, tại Osaka và Kobe là 11,5 triệu người, những thành phố này chiếm đến gần 20% dân số của đất nước gồm 127 triệu dân.
Dân số Nhật Bản đã giảm đáng kể từ năm 2010, thêm vào đó, tỉ lệ sinh thấp và những hạn chế khắt khe trong việc nhập cư đã dẫn tới dự báo đáng lo ngại là Nhật Bản sẽ còn 108 triệu dân đến năm 2050 và giảm chỉ còn 87 triệu dân vào năm 2060.
Hiện nay, các địa phương đang cố gắng thực hiện nhiều biện pháp "khuyến mại" để thu hút người trẻ tuổi quay về. Miyoshi, thị trấn gần nhất với Nagoro, là nơi đã chứng kiến sự suy giảm dân số mạnh từ 45.340 người năm 1985 xuống còn 27.000 người trong năm 2013 và hiện nay 1/4 cư dân tại đây hơn 75 tuổi. Để khuyến khích tăng dân số, thị trấn đã đề xuất chu cấp chăm sóc miễn phí cho con thứ 3, miễn phí tã giấy và sữa bột cho trẻ em đến năm 2 tuổi...
Hà Linh (Theo AP)