Nhắc đến Giàng Seo Châu, bà con xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, không ai là không biết. Không chỉ vì Châu đang là Phó Chủ tịch xã mà còn bởi anh là người địa phương đầu tiên có bằng thạc sĩ.
Phải học mới thoát nghèo
Là con thứ năm trong gia đình có sáu anh em, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề nông, cuộc sống của Giàng Seo Châu cũng không có gì khác so với bà con dân tộc ở Si Ma Cai. Đó là nghèo đói, lam lũ, vất vả. Nhưng chính sự khó khăn đó đã nung nấu trong chàng trai trẻ quyết tâm phải làm cách nào đó để mình thoát nghèo và giúp cho bà con đỡ vất vả. “Và chỉ có học chứ không còn con đường nào khác”, Châu tâm sự.
Phó Chủ tịch xã Giàng Seo Châu giới thiệu với phóng viên về mô hình trồng rau bắp cải tại địa phương. |
Năm 2007, Giàng Seo Châu nhận được hai giấy báo đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp I và trường Đại học Sư phạm II. Khi được hỏi lý do tại sao lại chọn khoa Kinh tế phát triển nông thôn, trường Đại học Nông nghiệp I, Châu cười hiền cho biết: “Lúc đầu, các thầy khuyên học sư phạm để làm giáo viên, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình là nông dân, bố mẹ cũng là nông dân. Thế nên mình muốn học nông nghiệp để mang những kiến thức trong trường học áp dụng vào nghề nông”.
Chưa kịp hưởng hết niềm vui đỗ đại học, Châu lại băn khoăn với bài toán kinh tế gia đình phía trước. Bởi nếu đi học, bố mẹ Châu sẽ vất vả hơn vì gia đình thiếu đi một lao động. Đó là chưa kể đến chi phí sinh hoạt sẽ rất tốn kém nếu ra Hà Nội học. Thêm vào đó, anh lại gặp phải sự ngăn cấm từ phía bố mình. Châu kể: “Bố bảo, bố chỉ thấy người ta lên nương lấy ngô, lấy thóc để kiếm tiền, chứ bố chưa thấy ai đi học mà ra tiền cả. Mình hiểu điều bố nói vì hồi đó, cả huyện Si Ma Cai chưa có người nào đỗ đại học”.
Sau rất nhiều lần được Châu thuyết phục, cuối cùng bố cũng đồng ý cho anh đi học. Bố mẹ thì không có tiền, các anh chị thỉnh thoảng gửi cho vài trăm nghìn đồng nên tất cả sinh hoạt phí trông chờ vào việc làm thêm (riêng tiền học phí và tiền ở ký túc xá, Châu không phải đóng vì được ưu tiên là đối tượng dân tộc vùng cao). Vì thế, ngoài một buổi lên lớp, Châu tranh thủ đi rửa bát cho quán cơm, làm thuê trong các vườn cây ăn quả. Số tiền kiếm được khoảng 400.000 đồng/tháng cũng giúp anh phần nào trang trải mọi chi phí trong cuộc sống. “Với số tiền này, mình phải sống rất tiết kiệm. Nhiều khi bạn bè rủ đi uống nước, mình cũng không dám nhận lời. Còn chuyện cả tuần phải ăn mì tôm thay cơm là chuyện hết sức bình thường”, Châu kể về quãng thời gian còn là sinh viên.
Chân thành, bà con mới tin
Tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp với tấm bằng loại khá, Châu nhận được lời mời làm trong Trung tâm thông tin xuất bản của trường, nhưng chàng trai dân tộc Mông đã khéo léo từ chối. Anh tiếp tục sự nghiệp học hành khi quyết định theo học thạc sĩ. Cũng trong khoảng thời gian đó, Bộ Nội vụ triển khai dự án “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ về tăng cường làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo”, Châu liền hăng hái tham gia. Lý giải về sự lựa chọn này, câu trả lời của Châu vẫn thế: “Mình muốn góp phần nhỏ bé của mình mang lại cuộc sống no ấm cho bà con dân tộc nơi đây”.
Thế là Giàng Seo Châu bắt đầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn kể từ 1/6/2012. Kể lại quãng thời gian khi mới nhận công việc này, anh hào hứng cho biết, vì là người địa phương, hiểu được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của bà con; thêm vào đó lại được lãnh đạo quan tâm, thường xuyên hướng dẫn, chỉ bảo nên anh bắt tay vào công việc rất nhanh. Ngoài ra, Châu cũng được phân công phụ trách mảng kinh tế nông nghiệp của xã - đúng lĩnh vực mà anh theo học. Những thuận lợi này đã giúp anh phát huy hết kiến thức và năng lực của bản thân để giúp đỡ bà con trong sản xuất.
Tập quán canh tác lâu nay của người dân nơi đây là chỉ trồng một vụ (trồng ngô hoặc lúa), không phát triển chăn nuôi nên thu nhập rất bấp bênh. Xuất phát từ thực tế này, Châu vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi để chuyển hướng sản xuất từ thuần nông sang kết hợp vừa trồng trọt vừa chăn nuôi để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, anh cũng hướng dẫn người dân trồng thêm các loại rau màu tăng vụ. Châu đã xây dựng được nhiều mô hình điểm, trong đó mô hình trồng cây bắp cải được người dân trong xã hưởng ứng và triển khai rất hiệu quả trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn vui vẻ chia sẻ: “Năm 2012, khi mới đưa mô hình trồng bắp cải, cả xã chỉ trồng được hơn 8ha. Sau đó, do rau bắp cải bán được nên năm 2013, diện tích trồng bắp cải của toàn xã nâng lên thành 13 ha. Riêng trong năm nay, cả 7 thôn trong xã đều đăng ký tham gia mô hình này”.
Anh Lừu Thề Pao, thôn Say Sán Phìn, một người dân tham gia mô hình cho biết: “Tính trung bình mỗi ha trồng được khoảng 3.300 cây, mỗi cây có giá từ 5.000 - 8.000 đồng, nên mỗi vụ cũng thu được khoảng hai chục triệu đồng. Cứ như thế một năm trồng hai vụ. Nhờ có mô hình trồng rau này mà kinh tế gia đình tôi đỡ khó khăn hơn trước, có thêm đồng ra đồng vào. Năm nay, gia đình tôi đăng ký với xã trồng 5.000 cây bắp cải và 3.000 cây su hào”.
Châu tâm sự: “Để bà con tin tưởng và làm theo như ngày hôm nay là cả một quá trình gian khổ, tốn rất nhiều công sức vận động. Thứ nhất, mình là cán bộ trẻ, chưa có kinh nghiệm. Thứ hai, trình độ dân trí người dân nơi đây còn thấp, đa phần người cao tuổi trong các gia đình đều mù chữ nên khi tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức mới, hầu như chẳng có ai nghe theo cả. Mình phải đến từng nhà, làm cùng bà con để họ thấy có hiệu quả thì lần sau họ mới thực hiện. Cái quan trọng nhất là phải chân thành và nhiệt tình”.
Trong những lần đi vận động như vậy, không ít những “tai nạn” đã xảy ra với Châu. Nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ, Châu tủm tỉm: “Đó là lần mình hướng dẫn bà con đổ bê tông đường. Một bác cao tuổi trong thôn không những không nghe theo mà còn mắng mình té tát vì cho rằng mình không biết gì, chỉ có ý định ăn bớt nguyên vật liệu. Khi đó, mặc dù rất bất bình nhưng mình vẫn giữ bình tĩnh, rồi cùng đồng chí trưởng thôn giải thích cho bác hiểu rằng, đây là cách làm mới để tiết kiệm nguyên vật liệu. Cuối cùng, bác ấy cũng hiểu ra và xin lỗi mình”.
Trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được ngọn lửa nhiệt tình, khát khao cháy bỏng phục vụ quê hương, giúp đỡ bà con dân bản thoát nghèo luôn thường trực trong con người Giàng Seo Châu. Khi được hỏi về dự định năm 2014, Châu cũng chỉ toàn chia sẻ về công việc, về hướng phát triển kinh tế cho xã Mản Thẩn. “Năm nay, mình sẽ tiếp tục thử nghiệm mô hình chăn nuôi bò vì ở đây có diện tích đất trồng cỏ lớn. Đặc biệt, huyện Si Ma Cai có 2 chợ Sín Chéng và Cán Cấu chuyên buôn bán gia súc, rất nhiều thương nhân thu mua để chuyển về xuôi. Hiện mình đã lập tờ trình xin cho xã 40 con và đang chờ huyện phê duyệt”.
Bài và ảnh: Thu Phương