Học sinh Trường dân tộc nội trú Quỳnh Nhai. Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN |
Chính vì vậy, huyện Quỳnh Nhai đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học; đồng thời củng cố hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức những lớp xóa mù chữ cho người dân trên địa bàn huyện đạt hiệu quả tốt hơn.
Đã hơn 8 tháng nay, cứ vào mỗi buổi chiều, tại Nhà văn hóa bản Ngáy (xã Chiềng Bằng), các học viên của lớp xóa mù chữ ở điểm Trường Tiểu học Bình Minh lại chăm chú bên cuốn sách giáo khoa, dưới sự giảng dạy và chỉ bảo tận tình của giáo viên để học chữ. Lớp học này có cả những người già và người trẻ. Phần lớn các học viên ở đây đều là nông dân, quanh năm vất vả với việc đồng áng, mùa vụ, từ khi có lớp học xóa mù chữ, họ lại trở nên bận rộn hơn để đến lớp học từng con chữ.
Chị Bạc Thị Ngoan ở bản Chạ, xã Chiềng Bằng, năm nay đã 45 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên chị được đi học. Chị tâm sự: Ngày xưa bố mẹ khó khăn, gia đình đông con và trường học lại ở xa nên chị không được đi học, do đó không biết chữ. Bây giờ đã nhiều tuổi nhưng được các cấp, các ngành quan tâm mở lớp học và được các thầy cô giáo đến tận bản dạy chữ, chị rất cám ơn. Chị đã biết viết, biết đọc và làm tính.
Chị Lò Thị Hoa ở bản Ngáy chia sẻ: Nhờ tham gia lớp học xóa mù chữ, đã giúp chị bỏ được tâm lý dè dặt, mặc cảm khi chưa biết chữ. Bây giờ, chị có thể tự tin tiếp xúc với mọi người.
Học viên khi tham gia các lớp học xóa mù chữ đều được hỗ trợ về sách vở, dụng cụ học tập. Việc mở lớp và duy trì lớp học xóa mù chữ tuy gặp nhiều khó khăn như đối tượng học viên là người dân tộc thiểu số, độ tuổi không đồng đều, thời gian bị chi phối nhiều bởi công việc gia đình, đồng áng. Nhiều học viên lần đầu cầm bút, tay còn cứng, những nét chữ chưa được rõ ràng. Việc nhận biết mặt chữ cũng rất khó bởi có nhiều học viên tuổi đã cao, mắt đã mờ… Nhưng bù lại các học viên rất tích cực, tự giác, chăm chỉ học tập. Các thầy cô giáo được phân công đứng lớp vào các buổi chiều trong tuần luôn nhiệt tình, hăng hái để truyền đạt kiến thức cho các học viên.
Thầy giáo Bạc Cầm Điện, Trường Tiểu học Bình Minh bộc bạch, đa phần học viên trong lớp đều là nông dân. Nhờ có các ban, ngành, đoàn thể của địa phương kết hợp cùng với nhà trường đến tận nhà vận động, động viên, họ mới đi học. Qua một thời gian học giai đoạn 2 (lớp 4 và 5) xóa mù chữ, các học viên đã đọc thông, viết thạo. Nhiều học viên đã biết tính toán, cộng trừ và áp dụng vào thực tế.
Bà Lương Thị Tám, Quyền Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Nhai cho biết: Triển khai Đề án xóa mù chữ đến năm 2020, từ năm 2014 đến 2017, huyện Quỳnh Nhai đã mở 56 lớp với trên 1.800 học viên tham gia. Năm học 2017 - 2018, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục mở thêm 13 lớp với 400 học viên tham gia. Để đạt được kết quả về công tác xóa mù chữ, đặc biệt là thực hiện thành công các lớp xóa mù chữ tại địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Nhai đã chủ động tham mưu lập kế hoạch, tích cực huy động và động viên học viên các lớp xóa mù chữ. Phòng bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên có chuyên môn, nhiệt tình trong công tác giảng dạy.
Độ tuổi học viên theo học các lớp xóa mù trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai rất đa dạng, từ thiếu niên đến người đã gần 60 tuổi. Trong số đó có những người chưa từng đến lớp và cả những người bị tái mù chữ. Nhiều học viên của lớp xóa mù chữ vì đã cao tuổi nên việc định hình chữ cái rất khó. Phần lớn học viên tiếp thu chưa nhanh, thời gian học lại gián đoạn và ít có thời gian ôn tập nên công tác xóa mù chữ gặp không ít khó khăn. Vì vậy, muốn học viên tiếp thu bài nhanh, giáo viên phải kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên tổ chức các trò chơi phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gắn liền với đời sống của học viên. Bên cạnh đó, để khuyến khích học viên theo học, huyện Quỳnh Nhai còn có chính sách hỗ trợ cho giáo viên đứng lớp; hỗ trợ hoàn toàn kinh phí mua sách vở, dụng cụ học tập cho học viên.
Việc xóa mù chữ thực sự có ý nghĩa nhân văn rất lớn, qua đó giúp cho người dân tự tin hơn trong cuộc sống, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.