Đây là một thực tế tưởng như đùa, nhưng lại có thật ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế).
Theo Phòng Công Thương huyện Nam Đông, bằng nhiều chương trình, nguồn vốn, đến cuối năm 2012, tất cả 11 xã, thị trấn trong huyện phải hoàn thành đưa lưới điện về nông thôn. Theo quy định, ngành điện đầu tư đường dây đến tận công tơ đo đếm, đường dây từ sau công tơ đến nhà, hộ gia đình do người dân tự đầu tư. Vậy là, ai có gì dùng nấy, từ cột tre, đến cột gỗ được dựng lên để kéo điện về nhà. Nhiều nơi lâu ngày, hệ thống cột được dựng tạm này bị mục, dây điện nằm vắt vẻo qua cây xanh ven đường rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa.
Mặt khác, theo quy định, dây dẫn sau công tơ là loại dây dẫn nhiều sợi bọc cách điện hoặc cáp điện (để đảm bảo an toàn và hạn chế tổn thất điện năng). Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân ở đây do không có điều kiện đã dùng dây sợi đơn, gây tổn thất điện áp lớn, chất lượng điện năng kém ảnh hưởng đến việc sử dụng các thiết bị, đèn chiếu sáng...
Để giải quyết những bất cập, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo lập đề án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện giai đoạn từ nay đến năm 2020, với tổng mức đầu tư là 186 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với vùng nông thôn miền núi, tỉnh cần xem xét đầu tư đến tận hộ gia đình... thay vì chỉ đầu tư như hiện nay. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo cử tri huyện miền núi Nam Đông kiến nghị với các cấp chính quyền trong tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Quốc Việt