Từ một cô gái thôn quê lam lũ rời nhà cùng 13.000 tiền lẻ, sau 12 năm bán cà phê đã trở thành nhà doanh nghiệp giàu có, tạo công ăn việc làm cho 42 nhân viên với mức lương 2.500.000 đồng/tháng. Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Hoàn, chủ doanh nghiệp cà phê Hoàng Hôn ở 1616 đường 30/4 phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tha phương nuôi chí làm giàu
Đã xa rồi cái thời lay lắt đi xin cơm ăn khắp bến xe Vũng Tàu, trong người không một đồng xu dính túi, lặn lội từ huyện Lai Vung Đồng Tháp lên thành phố biển kiếm kế sinh nhai, nhưng trông chị vẫn toát lên vẻ chân chất, thương người. Hoàn bảo “Càng làm ra tiền, càng sung sướng em lại càng thương những cô gái nghèo khó. Họ cũng như em trước đây từng bỏ nhà ra đi tìm cuộc sống mới. Với họ bây giờ em là bà chủ, nhưng với khách, em vẫn là cô gái lọ lem ngày nào bưng bán cà phê cho khách. Ở trong nỗi tận cùng đau khổ, mới thấy thương nhau anh à”.
Bà chủ “Hoàng Hôn” Nguyễn Thị Thanh Hoàn pha cà phê cho khách. |
Hoàn kể cho tôi nghe năm 15 tuổi, cô bỏ Lai Vung, Đồng Tháp lên thành phố Vũng Tàu kiếm sống. Bước chân ra đi, trong người chỉ vẻn vẹn 13.000 đồng và bộ quần áo cũ mang theo. Đặt chân đến bến xe Vũng Tàu, cũng là lúc không còn một xu dính túi. Bụng đói không nơi nương tựa biết đi đâu về đâu? Trí thông minh của cô gái nhà quê mách bảo “không thể chết đói, phải đi xin cơm ăn trước, kiếm việc làm sau”. Nhưng đi đâu, xin như thế nào để họ cho cơm, thì Hoàn không hình dung ra được. 8 giờ tối, Hoàn liều lĩnh bước vào một quán cơm ven đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Chủ quán cơm là một người thanh niên nhếch mép nhìn em từ đầu đến chân như soi mói một điều gì đó. Linh tính mách bảo điều không lành Hoàn đã từ chối cơm của người thanh niên nọ, em vội vã ra khỏi quán mà không biết đi đâu. 9 giờ đêm, em bước vào quán cơm An Lạc trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 1 thành phố Vũng Tàu). Bà chủ quán nhìn em thương tình, múc cho tô phở cuối nồi cho ăn. Hoàn rón rén trình bày: “Bà ơi, con từ Đồng Tháp lưu lạc về đây, con chẳng có người quen nào. Xin bà cho con phụ giúp kiếm cơm qua ngày”. Thương em nhưng bà đành từ chối: “quán bà đủ người rồi. Con có bán cà phê không, bà giới thiệu cho”. Chưa biết bán cà phê ra sao, nhưng nghe bà chủ quán nói giúp đỡ Hoàn đồng ý ngay. “Vậy là từ đó em bán cà phê cho người ta. Em trả ơn bà chủ quán. Thỉnh thoảng bà lại ghé đây uống cà phê miễn phí”, Hoàn nói.
Cô kể tiếp, với 300.000 đồng/tháng, cơm ngày 2 bữa, sau 2 năm phụ bán cà phê, Hoàn đã có 6 triệu đồng vốn. Với 6 triệu đồng ít ỏi ấy, cô đã mạnh dạn mở quán cà phê Hoàng Hôn. (Theo Hoàn thì cà phê mang tên Hoàng Hôn cũng là ý nghĩa kỷ niệm nhớ mãi ngày đầu tiên cô đặt chân đến thành phố Vũng Tàu lúc hoàng hôn).
Với 6 triệu đồng, Hoàn thuê mặt bằng, mướn nhân viên, mua bàn ghế. Như trời phù hộ, khách đến cà phê Hoàng Hôn mỗi ngày thêm đông, nhưng cô phải đối mặt với khó khăn mới, đó là “ma cũ bắt nạt ma mới” kiểu làm ăn cạnh tranh. Hoàn kể “có bữa, mấy quán cà phê bên cạnh cho là em giựt khách của họ, đã xúi bọn đầu gấu đến giả vờ uống cà phê và bắt ruồi bỏ vào, vu khống quán bẩn thỉu không trả tiền, gọi cả bao thuốc ba số (ba số 5) nhét túi bỏ đi. Lúc đó, em chỉ biết tự an ủi mình và nghĩ: Phải khéo léo cảm hóa họ chứ không gây lộn nếu muốn tồn tại và làm giàu. Vừa vai bà chủ, vừa là nhân viên, việc gì em cũng làm tuốt. Em động viên chị em, dẫm lên đau khổ làm tốt hơn. Em quyết tâm làm giàu từ tiền lẻ bán cà phê, bắt cà phê đẻ ra tiền chứ không phải việc nào khác. Em đã thành công”.
Tạo công ăn việc làm cho 42 chị em cùng cảnh ngộ
Công việc bán buôn trôi chảy, Hoàn về Lai vung - nơi cô sinh ra, đưa các em có hoàn cảnh khó khăn lên thành phố tạo công ăn việc làm cho họ, coi như một sự “chuộc lỗi” với xóm làng, vì bỏ quê 12 năm biền biệt. Chị cho biết: “Hiện nay, ngoài nhân viên pha chế, chúng tôi có 36 nhân viên chạy bàn. Với mức lương 2.500.000 đồng/tháng nuôi cơm hai bữa, có phòng cho nhân viên trọ không tính tiền. Nhân viên làm hai ca từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều, từ 3 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Công ty chúng tôi sẽ mở rộng mặt bằng và tuyển thêm nhân viên, tăng lương 1 triệu đồng/tháng/người. Trước hết là giúp đỡ những người nghèo khó, thanh niên chưa có công ăn việc làm trên địa bàn phường 12 thành phố Vũng Tàu, và các bạn của tôi ở quê. Đời tôi đã trải qua đói nghèo, bây giờ phải giúp đỡ họ, đó là lương tâm, là tình người anh ạ”.
Khi nói về “bà chủ cà phê Hoàng Hôn”, Nguyễn Thị Lan Anh - cô nhân viên mới được Hoàn đưa lên từ quê cho biết: “Em được chị Hoàn đưa lên từ quê. Quê em nghèo lắm, làm 300.000 đồng/tháng là khó khăn. Không chỉ riêng mình em, chị Hoàn còn giúp đỡ 3 chị em khác nữa. Anh đừng gọi chị Hoàn là bà chủ, chị ấy không thích thế. Chị Hoàn vẫn bưng bê cà phê cho khách. Nhiều bữa khách đông, cả hai vợ chồng lăn lưng ra làm. Vợ pha, chồng bưng. Với 800.000 đồng/tháng, em có thể phụ giúp ba mẹ ở quê nuôi em ăn học. Bán cà phê thường mang tiếng không lành mạnh, nhưng em thấy ở đây thoải mái, bình đẳng và không bị áp lực công việc”...
Chia tay Hoàn khi cô không ngơi tay pha cà phê cho khách, tôi nghĩ đến những cô gái lam lũ quê tôi, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, họ cũng mơ ước làm giàu và mong đi ra thành phố sinh cơ lập nghiệp. Rồi “những cô gái @” suốt ngày ăn trắng mặc trơn lêu lổng, chẳng hề mó chân đụng tay công việc, mà thấy khâm phục biết bao“cô chủ cà phê” làm giàu bằng những đồng tiền lẻ.
Bài và ảnh: Mai Thắng